content_copy

Nghề bảo vệ – bao giờ vượt qua định kiến

nghe-bao-ve-kien-nghiep-group
Tại các nước phát triển, bảo vệ – vệ sĩ được coi là hình mẫu trong giáo dục về lòng dũng cảm, sự tự tin và hành động tốt đẹp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhận thức về nghề bảo vệ dường như đi ngược lại tư duy nhân văn này.
nghe-bao-ve-kien-nghiep-group

Làm lâu, lương thấp

Là nhân viên bảo vệ tại một tòa nhà chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh Phạm Việt Hùng cho biết: Khu vực các tòa chung cư có phòng an ninh riêng với khoảng 50 nhân sự, tổ bảo vệ được chia làm 2 ca: Đêm và ngày, công việc cụ thể là bảo vệ toàn bộ khu vực chung cư.

Nhân viên được phân công theo dõi, bảo vệ các mục tiêu cụ thể, chỉ dẫn khách ra vào khu vực chung cư… Nếu là khách đi xe máy hoặc ô tô, sẽ được hướng dẫn đưa xe xuống khu vực tầng hầm. Ở đó, bộ phận bảo vệ khác sẽ tiếp tục hướng dẫn khách lấy thẻ trông giữ, để xe vào nơi quy định. Khu vực này còn được theo dõi qua hệ thống camera.

Một ca trực ban ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 19 giờ. Vị trí bảo vệ khu vực như của anh Hùng hầu hết đều kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ. Như vậy người lao động mới có thu nhập tốt hơn. Mức lương của anh Hùng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức lương này khá cao trong công việc bảo vệ, bởi hiện nay, các công ty thường chỉ trả cho người lao động từ 15 – 20 nghìn đồng/giờ.

Cách đây mấy hôm, có trường hợp ngã từ trên tầng xuống, bộ phận bảo vệ của anh Hùng lại được một phen vất vả, phải huy động anh em đưa người đi cấp cứu, lập biên bản, bảo vệ hiện trường và báo với cơ quan chức năng đến giải quyết.

Công việc bảo vệ có vẻ đơn giản, tuy nhiên thực tế cho thấy khá bận bịu với những vấn đề liên quan. Là khu vực có mật độ dân cư dày đặc, trong khi nhiều hộ dân mới đang chuyển đến, nhu cầu vận chuyển đồ đạc, sửa chữa các hạng mục nhỏ trong căn hộ rất lớn. Chính vì vậy, việc hướng dẫn xe ra vào, yêu cầu di chuyển, điều tiết giao thông chiếm khá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, phải chú ý những trường hợp xe đi ngược chiều, yêu cầu họ quay lại theo hướng di chuyển được quy định, cảnh báo xe vượt chiều cao khi xuống hầm, phòng ngừa trộm cắp, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực…

Cảm nhận cay đắng

Kể chuyện về bản thân, anh Hùng cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh về làm công nhân, xe ôm, sau đó chuyển sang làm bảo vệ. Đến với nghề, phần do nhu cầu về một công việc ổn định và ít phải di chuyển. Ở độ tuổi ngoài 50, sức khỏe cũng không cho phép với những công việc nặng nhọc hơn, cùng với đó bản thân cũng không có trình độ nghề nghiệp chuyên môn. Vì thế, cho dù thu nhập không cao nhưng công việc bảo vệ có thể được xem là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo anh Hùng, bảo vệ là một công việc mà người ta phải vượt qua sự nhàm chán và hạn chế về thu nhập. Điều ám ảnh hơn là định kiến xã hội về nghề bảo vệ, đã có lần anh vô tình nghe được câu chuyện của một bà mẹ răn dạy con trai mới chừng 7 – 8 tuổi rằng: “Nếu con không chịu khó học hành thì sau này chỉ làm bảo vệ như bác kia thôi”. Cảm nhận là cay đắng, nhưng đó là điều phải vượt qua.

Tại các nước phát triển, người bảo vệ, vệ sĩ được sử dụng là hình mẫu trong giáo dục về lòng dũng cảm, vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm để mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam sự nhìn nhận về nghề bảo vệ lại có xu hướng đi ngược lại với tư duy này. Nhiều người cho rằng, đây là một nghề không có tri thức, thậm chí là thấp hèn. Đây cũng là một tư duy khiến cho người làm trong nghề dịch vụ bảo vệ ít khi trụ lại với nghề, mà chỉ coi đó như là một công việc tạm thời khi chưa có được giải pháp việc làm khả thi hơn.

“Lương thấp, nhưng dễ có việc làm là điểm đặc trưng của nghề bảo vệ hiện nay, nhưng nghề nào cũng là nghề, chỉ cần kiếm tiền từ mồ hôi công sức của mình, không lừa gạt ai thì đó là một nghề chân chính, đáng trân trọng”, anh Hùng chia sẻ.

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0398.535.333
Liên hệ