Để nhân viên trở thành đại sứ thương hiệu của công ty

Đại sứ thương hiệu của công ty? Danh xưng nghe có vẻ không mấy quen thuộc nhưng thực chất lại có thể dùng để trao cho bất kỳ nhân viên nội bộ nào, đặc biệt là trong công tác tuyển dụng. Vậy đại sứ thương hiệu tuyển dụng có nghĩa là gì?

Cụm danh xưng này thường được dùng để chỉ việc các nhân viên nội bộ trong công ty sử dụng các mối quan hệ bạn bè và xã hội của họ để giúp quảng bá việc tuyển dụng cũng như hình ảnh và thương hiệu của công ty bằng cách chia sẻ cơ hội nghề nghiệp thông qua các mạng xã hội, danh sách email hoặc thậm chí là thông tin trực tiếp qua điện thoại hay gặp gỡ. Với các vị trí tuyển dụng khó hoặc gấp, nhiều công ty thường gửi thông tin đến các nhân viên qua email hoặc các bảng tin tại công ty để nhờ giới thiệu người quen hoặc bạn bè phù hợp. Việc này đã mang lại một số thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là do cách thức vận động nhân viên chưa tạo được nhiều hiệu ứng cũng như chưa trao cho họ nhiều động lực để tham gia nhiệt tình.

Tuy nhiên, xu hướng trong những năm gần đây bắt đầu cho thấy việc đầu tư nghiêm túc hơn của các công ty cho chương trình “Nhân viên giới thiệu ứng viên” (Talent Referral) khi tầm quan trọng của các đại sứ thương hiệu nội bộ đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Một vài thống kê về hiệu quả của kênh Talent Referral được trang ERE ghi nhận như sau:

  1. Nguồn ứng viên được giới thiệu từ các chương trình Talent Referral đạt chất lượng cao nhất so với các nguồn tuyển dụng khác.
  2. Mặc dù tỷ lệ ứng viên tham gia ứng tuyển qua Talent Referral chỉ chiếm 6.9% so với tổng số hồ sơ nhưng cơ hội tuyển dụng được nhân sự phù hợp lại đạt đến 46% số lượng ứng viên trúng tuyển.
  3. Thời gian chờ đợi ứng viên ứng tuyển qua chương trình Talent Referral sẵn sàng để gia nhập công ty được rút ngắn tới 55% so với các nguồn ứng viên khác khi trung bình chỉ mất từ 20 đến 29 ngày.
  4. Các nhân viên được tuyển dụng qua chương trình Talent Referral thường gắn bó với công ty lâu hơn khi có đến 46% trong số nhân viên được tuyển dụng tiếp tục làm việc sau 1 năm và 45% tiếp tục ở lại sau 2 năm.
  5. Sự đa dạng trong hồ sơ ứng viên từ nguồn Talent Referral nắm giữ vị trí số 1 so với tất cả các phương thức tuyển dụng còn lại nhờ vào các mối quan hệ khác nhau của nhiều nhân viên nội bộ khác nhau.

Nghe ra chương trình Talent Referral thật sự đáng để lưu tâm trong công tác tuyển dụng phải không nào? Vấn đề là vận hành ra sao để việc tuyển dụng qua kênh này phát huy tối đa hiệu năng và thuyết phục được các nhân viên trong công ty trở thành những đại sứ thương hiệu?

Theo Workable, có 4 điều quan trọng mà các công ty cần lưu tâm khi xây dựng chương trình Talent Referral của riêng mình.

  1. Đầu tiên, với những vị trí đang cần tuyển dụng, những yêu cầu và tiêu chí đặt ra cần rõ ràng và dễ hiểu để các nhân viên nội bộ dễ dàng nắm bắt thông tin và truyền đạt lại chính xác với các bạn bè hoặc người quen nhằm đảm bảo độ phù hợp của các ứng viên được giới thiệu cho công ty trong chương trình Talent Referral.
  2. Luôn cập nhật tình hình tuyển dụng với nhân viên bao gồm từ bước xét duyệt hồ sơ đến kết quả các vòng phỏng vấn của các ứng viên được giới thiệu để thể hiện sự tôn trọng đối với nỗ lực tìm kiếm nhân sự từ các đại sứ thương hiệu này.
  3. Ghi nhận thành quả của những nhân viên đã giới thiệu được nhiều ứng viên và thể hiện sự cảm ơn bằng những hành động thiết thực bên cạnh khoản tiền thưởng như gửi thư khen ngợi, vinh danh trên bảng tin công ty hoặc thậm chí tìm một vài dịp tổ chức các buổi tiệc khen thưởng nho nhỏ nhằm củng cố thêm tinh thần hợp tác của nhân viên.
  4. Cải thiện quy trình tuyển dụng ngày càng tốt hơn để nhân viên cảm thấy ít rắc rối, phức tạp khi muốn giới thiệu ứng viên. Đồng thời, họ cũng có thể dễ dàng tự quản lý các bước giới thiệu, danh sách ứng viên giới thiệu và các khoản tiền thưởng mà không cần phải trực tiếp đến hỏi bộ phận nhân sự và chờ đợi câu trả lời. Những phần mềm hoặc nền tảng chuyên biệt dành cho việc xây dựng các chương trình Talent Referral thật sự hữu ích và đáng được lưu tâm vì những tiện ích được phát triển sẵn để phục vụ cho các nhu cầu vừa được nêu ra.

Bất kỳ một chương trình Talent Referral nào cũng đều đòi hỏi những nỗ lực nhất định và thời gian để minh chứng cho hiệu quả của nó nhưng khi được công nghệ hỗ trợ song song, việc tạo ra và xây dựng một chương trình như vậy sẽ không còn quá khó khăn hay phức tạp. Một sản phẩm Talent Referral có tính năng đủ mạnh mẽ, giao diện thân thiện và cung cấp nhiều tiện ích và thư viện tham khảo sẵn có sẽ là một trợ thủ đắc lực để mang đến cho các công ty những trải nghiệm thật đặc biệt đối với kênh tuyển dụng còn tương đối mới mẻ này.

TIN LIÊN QUAN

Tin mới

Media