content_copy

05 lưu ý khi ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP

Luu-y-khi-ky-hop-dong-nd-68-2000-nd-cp-kien-nghiep-group

Cá nhân khi ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP (hay trên thực tế thường được gọi là làm việc theo hợp đồng 68) cần lưu ý 05 vấn đề sau đây:

Ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP

Ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (Ảnh minh họa)

1. Lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng lao động giữa cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp với cá nhân người lao động.

Việc ký kết, thực hiện, thay đổi, chấm dứt, thanh lý và giải quyết tranh chấp giữa các bên thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động (hiện nay được quy định tại Bộ luật lao động 2012 và các quy định khác hướng dẫn liên quan).

Đối với các cá nhân ký hợp đồng lao động để làm những công việc theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP và áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP với mức lương trong hợp đồng lao động mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

2. Để được ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có đủ sức khỏe để làm việc được cơ sở khám sức khỏe chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

– Có lý lịch rõ ràng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

– Có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm;

– Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù cải tạo không giam giữ hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh;

– Không trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến công việc ký kết hợp đồng.

3. Chỉ ký hợp đồng với người có thẩm quyền, cụ thể như sau:

– Đối với các cơ quan hành chính: Chỉ ký hợp đồng với người đứng đầu cơ quan hành chính mà cơ quan hành chính này được xác định là đầu mối được giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính từ ngân sách nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc được ủy quyền bằng văn bản.

– Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Chỉ ký hợp đồng với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng lao động hợp đồng là người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động.

4. Mức lương của lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 03/2019/TT-BNV thì việc ký kết, thực hiện, thay đổi, chấm dứt, thanh lý và giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Đồng nghĩa việc ký kết, thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Do đó, mức lương của lao động hợp đồng làm việc theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP sẽ do người lao động thỏa thuận với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện công việc nhất định nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

5. Lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP không được coi là viên chức

Căn cứ quy định tại Luật Viên chức 2010 thì viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm thông qua hai hình thức là thi tuyển hoặc xét tuyển, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP làm việc theo hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia, nên không được coi là viên chức.

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0398.535.333
Liên hệ