content_copy

Khởi nghiệp là phải chịu đựng sự cô độc và cả nước mắt.

Khởi nghiệp là phải chịu đựng sự cô độc và cả nước mắt.

“Vào thời điểm đi nghỉ mát cùng vợ tôi vào năm ngoái, tôi đã không khỏi băn khoăn và tự hỏi bản thân mình rằng tôi muốn một kỳ nghỉ riêng của công ty mình nhiều đến mức nào. Thực sự, vào lúc đó, tôi đã rất ghen tị, đơn giản là vì kỳ nghỉ mà tôi đang có không phải của công ty tôi. Vì vậy, tôi gần như chẳng tận hưởng được điều gì cả”, Jeremy Redman, nhà sáng lập và CEO của NotBoringBusiness.com chia sẻ.

Nỗ lực toàn bộ thời gian và cuộc sống của mình để xây dựng sự nghiệp, nhưng Jeremy Redman vẫn cảm thấy băn khoăn và chưa thanh thản với những gì mình có. Dưới đây là những chia sẻ của vị CEO về hành trình trở thành doanh nhân và những gì anh phải đánh đổi để có được một sự nghiệp thành công:

Tôi luôn lắng nghe lòng đố kỵ của mình vì nó cho tôi biết mình cần gì. Hơn nữa, khao khát được sống với vai trò một doanh nhân của tôi còn mãnh liệt hơn mong muốn được hít thở không khí trong lành. Sau bao năm vật lộn chốn kinh doanh, cái giá của việc sống thụ động lại càng rõ ràng hơn với tôi. Tôi phát điên vì phải sống thụ động. Tôi luôn ép bản thân phải làm gì đó mọi lúc mọi nơi. Điều này dường như đã ăn sâu vào máu mỗi doanh nhân.

CEO của VaynerX Gary Vaynerchuk – một nhà đầu tư, một nhà kinh doanh đa ngành nghề và cũng đồng thời là tác giả của tác phẩm bán chạy nhất được vinh danh 5 lần bởi tờ New York Times dường như cũng đồng quan điểm với tôi: “Tôi sống cả đời với chân lý bất diệt, tôi không thể làm gì khác ngoài trở thành một người kinh doanh, sau này là một “doanh nhân”, theo như cách gọi của người ta.” Ông cũng từng tâm sự với tôi rằng cũng chính chân lý này làm ông bế tắc khi đã đạt đến giai đoạn thứ ba. Thực sự thì, đó cũng chính là những gì tôi cảm thấy.

Như thêm dầu vào lửa, trong chuyến đi trăng mật của tôi tại Ý, việc bán hàng trở nên trì trệ và nó gần như đã làm tôi lên cơn đau tim. Tôi cho rằng đây chính là lỗi của mình và để bù đắp, tôi đã thức trắng một đêm làm việc. Tôi không đi ngủ và đến khi bán được hàng cho hai khách, lúc này tôi mới cảm thấy khoan khoái. Tôi đã nghe cụm từ “Bạn chỉ cần thư giãn thôi” rất nhiều lần. Nhưng vấn đề của tôi là: Hoàn thiện mục tiêu đã đặt ra là nguyên tắc cho sự thư giãn của tôi.

Các kỳ nghỉ làm bạn khó chịu

Tôi ghét những ngày cuối tuần. Tại sao tôi lại mong đợi những ngày không có ai hồi âm e-mail và các cuộc gọi của tôi chứ? Thậm chí, tôi đi làm cả vào những ngày cuối tuần. Nếu không, tôi sẽ cảm thấy bứt rứt đến phát điên.

Vào đầu năm nay, tôi cảm thấy thật tồi tệ khi dường như mình đang dành quá ít thời gian cho gia đình. Vì thế, một chiếc TV đã được đặt trong phòng làm việc của tôi để vợ tôi có thể thư giãn nếu cô ấy muốn đến gặp tôi vào cuối tuần. Thậm chí, tôi còn trang bị cho vợ mình một chiếc máy tính mới để kích thích tinh thần làm việc của cô ấy vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Tôi yêu thứ Hai. Tôi thích cái cảm giác tỉnh dậy và nhận được hàng tá e-mail và tin nhắn. Đến tận khi trở thành một doanh nhân, tôi mới cảm nhận được điều này. Đừng nói đến một kỳ nghỉ dài, chỉ một ngày nghỉ trong tuần thôi cũng là quá đủ với tôi rồi!

Bạn sẽ ngày càng trở nên cô độc

Không thể đếm xuể số lần tôi bị hiểu lầm và bỏ rơi. Cảm giác giống như tôi là một kẻ dị biệt vậy. Khi tôi nhận được những chỉ trích về tính khó đoán định cũng như những nhận xét về công việc của mình, tôi chỉ đơn giản thấy là nó chưa tới bởi gần như chẳng có ai hiểu rõ tôi đang trải qua cái gì. Một số người giả vờ rằng họ đã trải qua việc tương tự nhưng thực tế thì, mỗi người đều có câu chuyện cho riêng mình, phải không?

Tập làm quen với việc này đi và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Hãy chấp nhận sự cần thiết của cô đơn và thậm chí là những giọt nước mắt rơi không ngừng khi bạn trên đường về nhà.

Bạn mất bạn bè và sở thích riêng của bản thân

Tôi không có sở thích đặc biệt nào cả. Sở thích của tôi chỉ đơn giản là đi đến văn phòng trên đường Sunset Boulevard, nhìn vào tấm bảng hiệu và tưởng tượng một ngày không xa tên tôi sẽ xuất hiện trên đó.

Thời gian đâu để dành cho sở thích cá nhân của bạn? Theo quan điểm của tôi, nếu bạn chưa đạt được mục tiêu của cuộc đời, bạn chưa hạnh phúc, bạn chưa có quyền nghỉ ngơi. Ngoài thời gian thảo luận về công việc với đồng nghiệp, tôi sẽ suy tính về những việc mình cần hoàn thành tại công ty. Nếu đối tác kinh doanh muốn, tôi sẽ đi chơi golf với họ. Còn không thì, hãy để dành đến lúc nghỉ hưu nhé!

Tôi ghét phải thừa nhận việc này nhưng tôi luôn cố biến cuộc gặp mặt bạn bè thành một buổi bàn luận kinh doanh. Tất nhiên, bạn tôi sẽ phàn nàn và tôi lại tiếp tục ngừng đi chơi để tập trung làm việc. Tôi cô đơn trong chính thói quen không lành mạnh của mình.

Elon Musk cũng vậy. Vào tháng sáu vừa rồi, ông tự tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà máy, một mình: “Cả đêm, không bạn bè, không gì cả”, theo chia sẻ của ông cùng tờ New York Times. Vấn đề này ít khi được nhìn nhận hay đánh giá nghiêm trọng bởi các doanh nhân bởi chính nó cũng góp phần tạo nên thành quả cho họ. Thậm chí nó còn được xem là điều kiện ứng xử để người doanh nhân sống và làm việc theo cách họ vốn làm. Một minh chứng cho sự hi sinh của người doanh nhân: Elon Musk và công ty Tesla của ông lần đầu tiên đạt được mục tiêu chế tạo gần 5.000 chiếc Model 3s trong một tuần.

Bạn không thể có một công việc ổn định

Hay hiểu theo cách khác, bạn bị đuổi việc nhiều lần. Tôi không thể làm việc dưới trướng một người nào. Tôi bị sa thải tại hầu hết công ty tôi được nhận vào. Dường như tôi gặp vấn đề với cấp trên của mình. Bị đuổi quá nhiều lần đến mức tôi trở nên ghen tị với những người có thể làm việc dưới quyền hành của người khác. Tôi xem đó là kỹ năng tôi chưa bao giờ có được.

Tôi chơi trò ném – bắt bóng tennis tại văn phòng khi không thể tập trung. Tôi có thể thoải mái làm vậy khi là CEO bởi nhân viên của tôi hiểu và tuân thủ những gì tôi làm. Nhưng nếu tôi là một nhân viên bình thường thì sao? Tôi ném quả bóng qua bàn làm việc và điều này chắc chắn sẽ xuất hiện trong báo cáo công việc của tôi. Sếp sẽ hỏi vì sao tôi làm thế. Tôi trả lời rằng vì tôi chán và tôi đang tìm kiếm công việc mới. Vì vậy, chúng tôi quyết định chia đôi đường. Sự việc lặp lại đúng như vậy ở công việc mới.

Nhưng, điều tồi tệ nhất là..

Một khi tôi thấy những thành quả do nỗ lực của mình mang lại, tôi dường như xem nhẹ cố gắng của người khác. Tôi càng ngày càng thiếu sự bao dung cho lỗi lầm của người khác, không bao giờ chịu hi sinh lắng nghe họ cần gì. Nếu tôi biết một người dành thời gian đi uống nhưng vẫn mơ mộng sở hữu một công ty như Tesla, tôi sẽ tự động chuyển họ vào danh mục những kẻ mơ hão trong trí óc của mình.

Tất cả mọi người cần và nên hi sinh sở thích cá nhân cho mục tiêu cao cả hơn. Người ta muốn lên thiên đàng nhưng không hiểu rằng mình phải chết để được đến đó. Tôi biết đây là cảm xúc tiêu cực và tôi ghét bản thân mình vì luôn cảm nhận theo hướng này. Tùy bạn thôi, nếu bạn thấy vui, tôi cũng thấy vui cho bạn.

Nhưng cũng vì lý do trên, tôi đánh giá sự cạnh tranh theo hướng khác. Cạnh tranh không còn là với những cá nhân khác mà là với chính bản thân tôi. Tôi không ngừng thử thách bản thân để chứng tỏ rằng mình giỏi đến mức nào. Càng cố gắng, sức khỏe của tôi càng bị bơ đi. Logic của tôi nghe không hợp lý lắm nếu tính đến thực tế làm việc quá sức sẽ kéo theo sự giảm sút năng suất lao động. Nhưng dù biết rõ điều này, tôi cũng không thể ngưng bản thân làm việc.

Tuy nhiên, đó có thể là nguyên liệu tôi cần, theo như Michael Freeman, chuyên gia tư vấn cho doanh nhân, giáo sư tâm lý học tại Khoa Y dược Đại học California-San Francisco. Ông cho rằng “các điều kiện tâm lý trên đi kèm với các đặc điểm tính cách giúp doanh nhân trở nên vượt trội hơn.”

Sự hi sinh không bao giờ uổng phí

Tất cả những gì tôi bỏ ra đều đáng. Quay ngược thời gian lại tôi cũng sẽ không làm khác đi. Nó làm tôi hạnh phúc bởi tôi được ở trong cuộc đua để chứng tỏ bản thân mình. Nó làm tôi nhận thấy mình còn sống. Và tôi sẽ không bao giờ tự hài lòng với chính bản thân mình.

Dù đôi khi nó có đi cùng với những gánh nặng vô hình – những cảm giác tôi đã nhắc tới trong kỳ nghỉ của mình. Và vì chính những cảm giác ấy, tôi tình nguyện đổ mồ hôi sôi nước mắt để đạt được điều mình muốn. Đó chỉ là vấn đề về thời gian. Bởi căn bệnh của người doanh nhân là làm việc hay chết.

 

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0398.535.333
Liên hệ