Thông tin hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp cho thấy việc làm vẫn là một vấn đề ám ảnh những con người trẻ tuổi và đang ngáp ngủ trên giảng đường Đại học. Lý do rất đơn giản: Xã hội trả lương cho sự cống hiến, chứ không trả lương cho những tấm bằng.

Nói như tác giả Napoleon Hill trong cuốn sách dạy làm giàu nổi tiếng “Think and Grow rich” – Nghĩ giàu và Làm giàu – thì một trong số những thói quen xấu khiến chúng ta “nghèo từng giây” chính là việc dành thời gian cho giấc mơ hão huyền giữa ban ngày.

Chưa cần nói đến trình độ năng lực hay nhu cầu của thị trường lao động, chỉ cách các bạn trẻ nói về giấc mơ của mình đã khiến bất kỳ ai khi nghe cũng cảm thấy thật sự ái ngại. Nó giống như những “giấc mơ trưa” vội vã, rất mơ hồ, không hề có kế hoạch, hành động rõ ràng.

Rất ít các bạn trẻ đang dành thời gian trên các giảng đường Đại học, cao đẳng biết được chính xác đâu là đam mê của mình. Họ chẳng hề dành tâm huyết với giấc mơ mà chỉ là mơ rồi lại để đó vì trong đầu, luôn luôn có nhiều giấc mơ, khả năng và dự định cùng lúc tồn tại. Nhưng giấc mơ sẽ mãi là giấc mơ nếu bạn không tỉnh dậy và xây dựng giấc mơ đó.

Nha-tuyen-dung-nghi-gi-ve-uoc-mo-viec-nhan-luong-cao-cua-cac-ban-tre-kien-nghiep

Ai cũng muốn tìm được việc làm nhàn nhã, lương ít ra cũng thuộc cỡ trung bình khá trở lên. Giấc mơ việc nhàn, lương cao vốn rất đỗi con người. Ai chẳng mong thu nhập cao trong khi công việc không phải quá vất vả, lăn lộn. Hiểu thế nào cho đúng về “một công việc nhàn” cũng là điều mà có lẽ những tỷ phú thời gian trên giảng đường vẫn còn mông lung.

Công việc nhàn là làm ít chơi nhiều và thu nhập cao? Là kết quả của những mối quan hệ thân thiết? Là ăn mặc đẹp, ngồi văn phòng sang trọng và chẳng phải động tay động chân vào việc gì?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà những công ty lớn, những nhà tuyển dụng uy tín luôn muốn truyền đạt tiêu chí “làm thật, hưởng thật”, “thu nhập trả theo trình độ và sự tận tâm cống hiến” tới nhân viên, ứng viên…, thì liệu còn có thể có lương cao cho những công việc nhàn theo tiêu chí như trên?

Bao con người đi lên từ bàn tay trắng, họ chỉ siêng năng và chẳng quản ngại khó khăn và nỗ lực. Nếu bạn không có năng lực, thất nghiệp là điều đương nhiên cho dù bạn đang cầm tấm bằng gì trong tay. Đừng ngồi một chỗ mà ỷ lại rằng xã hội, các nhà tuyển dụng hay người thân, quen có trách nhiệm phải giúp đỡ bạn trong khi chính bản thân thì lười nhác, không có trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Đất nước đang thời kỳ hội nhập. Đó là cơ hội và cũng là thách thức cho thế hệ chủ nhân mới của đất nước. Sẽ chẳng có chỗ cho những kẻ lười biếng và bảo thủ. Quãng đời sinh viên luôn là kỷ niệm rất đẹp đối với tất cả mọi người, nhưng kỷ niệm thì không mang lại cho bạn việc làm và thu nhập.

Hãy quên bằng cấp đi, quên cái sĩ diện “cử nhân” của mình đi. Sống và làm điều mình đam mê, và đã làm thì làm hết mình, dồn hết tâm sức cho niềm đam mê của mình. Một khi đã xác định được đâu là đam mê, và cống hiến hết mình cho đam mê đó, bạn sẽ chẳng thấy sự vất vả hay nhàm chán trong công việc. Đó mới là “việc nhàn lương cao”.

(CEO Media)