Pháp luật về kế toán quy định các trường hợp không được làm kế toán nhằm đảm bảo người làm kế toán có đủ năng lực nhận thức, đạo đức để hoàn thành tốt công việc; tạo sự minh bạch, tránh tiêu cực.
Cụ thể, những người sau đây sẽ không được làm kế toán:
(1) Người chưa thành niên.
(2) Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
(3) Người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(4) Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
(5) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(6) Người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
(7) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán.
Trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(8) Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán.
Trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 52 Luật Kế toán 2015.
– Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2016.