Ghi nhận cho thấy, sản xuất và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2020. Trong đó, ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao tăng đến 27% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin cũng có mức tăng trưởng nhẹ ở mức 3% so với quý cuối năm 2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý các vị trí marketing và kỹ thuật chuyên môn về thương mại điện tử đặc biệt cho ngành hàng thiết yếu đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp cũng đang được nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Các xu hướng trên đã củng cố thêm cho báo cáo ngày 21/4/2020 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về những tác động của đại dịch Covid-19 với thị trường lao động Việt Nam. ILO ước tính đến cuối quý II năm nay, Covid-29 có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.
Theo kịch bản có mức tác động lớn hơn sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ. Kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ.
Có thể thấy trong cả hai kịch bản, ngành sản xuất và thương mại điện tử sẽ là hai ngành sẽ “hút” nhân lực nhiều nhất trong thời gian tới. Dự đoán sau khi dịch được kiểm soát, từ nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trở lại để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phục hồi doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hai lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là ngành sản xuất và thương mại điện tử. Tuy nhiên cái được dường như sẽ lớn hơn khi dịch bệnh qua đi, các doanh nghiệp có cơ hội tạo dựng được đội ngũ nhân lực có chất lượng hơn, thích nghi hơn với quy trình sản xuất để có thể tạo ra cho doanh nghiệp sự tăng trưởng bền vững.