Biết khi nào nên nghỉ việc luôn là một thách thức nhưng nếu các dấu hiệu nhận biết dưới đây, quá trình này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Khi nói đến sự nghiệp của bạn, những lời sáo rỗng như “Người bỏ cuộc sẽ không bao giờ thành công” không phải lúc nào cũng đúng. Rời bỏ công việc hiện tại có thể giúp bạn hồi sinh sự nghiệp, kiếm được một khoản lương cao hơn hoặc thoát khỏi môi trường làm việc không lành mạnh. Nhưng trước khi đưa ra thông báo chính thức, hãy tham khảo các dấu hiệu trả lời cho câu hỏi “Khi nào nên nghỉ việc?” sau đây nhé.
Khi công ty không có giải pháp khắc phục nhanh chóng các khó khăn
Đôi khi một cuộc nói chuyện trung thực với người quản lý sẽ giúp bạn khắc phục các tình huống xấu. Chẳng hạn, nếu chia sẻ với cấp trên rằng bạn đang quá tải thì có lẽ họ sẽ giảm bớt số lượng công việc hiện tại hoặc tuyển thêm nhân viên mới trợ giúp. Tuy nhiên, khi nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra nhưng vấn đề không được khắc phục thì có lẽ đã đến lúc tìm một con đường mới.
Khi mật độ công việc của bạn đã tăng lên nhưng tiền lương thì không
Nếu khối lượng công việc của bạn ngày càng tăng lên, đó không hẳn là một điều xấu. Tuy nhiên, tiền lương của bạn nên phản ánh hoàn toàn điều đó. Nếu người quản lý của bạn đã ủy thác ngày càng nhiều nhiệm vụ nhưng bạn lại không nhận được bất kỳ phần thưởng nào thì đã đến lúc bạn nên lên tiếng.
Các nhà quản lý nên sẵn sàng trả cho bạn mức lương tương xứng với công việc bạn đã làm, nếu không thì đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi “Khi nào nên nghỉ việc?”
Khi bạn không muốn giới thiệu bạn bè làm việc ở công ty
Nếu suy nghĩ về việc giới thiệu bạn bè hoặc người thân làm việc ở công ty khiến bạn sợ hãi thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã đánh mất “tình yêu” dành cho vị trí hiện tại. Nếu có điều gì đó sâu thẳm bên trong bạn nói rằng đây không phải là nơi mà bạn muốn giới thiệu với bạn bè của mình, thì có lẽ đây là một dấu hiệu cho thấy đó không còn là nơi mà bạn tự hào khi được là thành viên.
Khi bạn liên tục mang năng lượng xấu về nhà
Phàn nàn là điều bình thường bởi vì không có ai, không có điều gì và không có công việc nào là hoàn hảo. Nhưng người hài lòng với công việc sẽ không liên tục căng thẳng về việc làm của họ. Một thái độ tiêu cực có thể cho thấy công việc hiện tại đang làm khô héo tâm hồn của bạn.
Bạn có thể để lại những cảm xúc này tại nơi làm việc hay không? Nếu không, có lẽ đây là lúc để suy nghĩ về những gì khiến bạn không thích trong công việc, xác định những điều mà bạn muốn và tìm kiếm một vị trí khác có thể mang đến cho bạn điều đó.
Khi bạn không còn có thể hoàn thành công việc
Một dấu hiệu khác giúp trả lời câu hỏi Khi nào nên nghỉ việc? là bạn không còn khả năng hoàn thành tốt công việc. Mặc dù là do tình hình sức khỏe, những thay đổi trong cuộc sống cá nhân hoặc thay đổi cấu trúc trong tổ chức, nếu bạn không thể hoàn thành công việc của mình, bạn nên xem xét nghỉ việc.
Ở lại với công việc khi khả năng thực hiện giảm sút sẽ khiến bạn dễ dàng bị sa thải. Ngoài tác động tài chính ngay lập tức, việc bị sa thải cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tìm việc ở nơi khác. Nếu bạn không thể nỗ lực hoàn thành tốt công việc, hãy xem đó là một dấu hiệu để rời khỏi vị trí hiện tại.
Khi bạn không thích người quản lý
Bạn đã thử các chiến lược mới để tương tác hiệu quả hơn với người quản lý của mình và thậm chí điều chỉnh hành vi của chính bạn với hy vọng sẽ làm dịu mối quan hệ nhưng nhưng kết quả vẫn không như mong đợi, thì đó là lúc bạn cần xem xét đến việc rời đi.
Bạn không phải là người đầu tiên nghỉ việc vì không thích hợp với người quản lý. Một cuộc khảo sát cho thấy rằng có đến 60% nhân viên nghỉ việc hoặc đang xem xét rời đi là vì họ không thích người giám sát trực tiếp. Rốt cuộc, mọi người rời bỏ người quản lý chứ không phải công việc của họ.
Khi kỹ năng của bạn vượt trội kỹ năng của cấp trên
Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy thoải mái khi làm việc với sếp – người biết ít hơn bạn. Nhưng điều khiến bạn đau đầu hơn là bởi vì họ không có khả năng lãnh đạo, trong khi họ đang điều hành toàn bộ đội nhóm và cũng đưa ra quyết định ảnh hưởng đến bạn. Điều này có vẻ như khá rủi ro cho sự nghiệp của bạn. Vậy nên nếu gặp trường hợp này, bạn không cần phải tự hỏi khi nào nên nghỉ việc mà hãy rời đi ngay bây giờ.
Khi bạn không còn thấy mình được đánh giá cao vì đã làm việc chăm chỉ
Mỗi người có động lực khác nhau khi thực hiện công việc của họ. Đối với nhiều người, đó đơn giản chỉ là được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Điều này có nghĩa là thỉnh thoảng nghe được một lời khen trước đám đông hoặc được tăng lương, thêm tiền thưởng. Dù mục đích đi làm của bạn là gì đi nữa thì được công nhận và đánh giá cao khi hoàn thành tốt nhiệm vụ là một cách tuyệt vời để duy trì động lực và nếu không có nó, bạn rất dễ dàng chán nản.
Khi bạn dành thời gian rảnh rỗi để nghĩ xem mình có nên nghỉ việc không
Kiểm tra lại lịch sử duyệt web và bạn có thấy nó chứa đầy các bài viết có tiêu đề như “Tôi có nên nghỉ việc?” hoặc “Làm sao để biết khi nào nên nghỉ việc?” hay không?… Các bài viết này đều nói lên một điều rằng bạn không còn muốn gắn bó với công ty hiện tại. Do đó, hãy sẵn sàng cho việc tìm kiếm một vị trí mới.
Khi bạn không còn quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty
Nếu bạn không thể dành nhiều thời gian tập trung phát triển và cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty thì làm sao bạn có thể thành công trong việc quảng bá chúng và đóng góp cho tập thể? Hãy nhớ rằng các công ty phát triển mạnh nhờ có các nhân viên ủng hộ thương hiệu. Nếu là nhân viên nhưng bạn lại thờ ơ với các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty thì điều này thật không công bằng với doanh nghiệp. Do đó nếu rơi vào tình huống này, tốt nhất là bạn nên xem xét việc rời đi.
Nếu bạn đọc bài viết này và nhận ra một vài trong số những dấu hiệu khi nào nên nghỉ việc trên đây, có lẽ đã đến lúc bạn nên rời đi. Nếu bạn quyết định rời đi, hãy làm điều đó một cách thông minh. Đừng làm mất đi các mối quan hệ bằng cách trút giận về các lý do bạn rời đi. Điều đó chẳng giúp ích được gì và thậm chí có thể ám ảnh bạn sau này. Thay vào đó, chỉ cần giải thích rằng bạn muốn rời đi để theo đuổi một cơ hội khác và làm điều đó một cách chuyên nghiệp nhất.