Bất lợi khi nhảy việc thường xuyên

Thường xuyên thay đổi công việc đang dần trở nên phổ biến hơn ở lực lượng lao động trẻ – những người luôn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn trên con đường sự nghiệp.

bat-loi-khi-nhay-viec-thuong-xuyen-kien-nghiep-group

Tuy nhiên, “nhảy” việc liên tục từ công ty này sang công ty khác cứ sau 1 hoặc 2 năm có thể tác động tiêu cực đến sự nghiệp của bạn. Trong khi chuyển đổi công việc có một số lợi ích như tăng mức lương tiềm năng hoặc đa dạng hóa các kỹ năng, bạn cũng nên nhận thức được các bất lợi sau đây của “nhảy” việc trước khi nộp đơn từ chức.

CV trở nên kém hấp dẫn

Các nhà tuyển dụng luôn mong muốn có được những nhân viên có thể gắn bó lâu dài và nhiệt tình với các mục tiêu của công ty. Nếu “nhảy” việc quá thường xuyên, chắc chắn lòng trung thành của bạn có thể bị nghi ngờ. Ngoài ra, liên tục thôi việc khiến bạn không có đủ thời gian để đạt được bất kỳ thành tích đáng chú ý nào. Và nếu không có bằng chứng cụ thể về giá trị và khả năng của bản thân thì CV của bạn sẽ trông thật trống rỗng.

Kiến thức chuyên sâu ít hơn

Có nhiều kinh nghiệm làm việc trong CV là điều tốt nhưng nếu có được bằng cách nhảy việc liên tục, nhất là chuyển đổi giữa nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau thì điều này sẽ gây bất lợi cho bạn khi ứng tuyển trong tương lai. Khi một nhà tuyển dụng thấy rằng CV của bạn bao gồm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về nhiều kỹ năng và công nghệ khác nhau, họ có thể bị ấn tượng lúc đầu.

Theo phản xạ, bạn có thể được xem như là một người giỏi, nhưng là “bậc thầy” trong một lĩnh vực nào đó thì không. Điều này trở nên bất lợi khi nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các ứng viên với kỹ năng chuyên sâu đã được mài giũa trong thời gian dài.

bat-loi-khi-nhay-viec-thuong-xuyen-kien-nghiep-group1

Nhà tuyển dụng có thể ngần ngại đầu tư vào bạn

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho một người thay đổi công việc cứ sau 1 hoặc 2 năm? Chắc chắn sẽ là không! Nếu thay đổi công việc quá thường xuyên, bạn có thể được xem như là một người dễ bỏ cuộc. Kết quả là bạn có thể không nhận được các chương trình đào tạo, các khóa huấn luyện chuyên sâu, các phần thưởng hoặc cơ hội nghề nghiệp khác – những điều mà một nhân viên trung thành thường sẽ dễ dàng có được.

Bắt đầu lại từ con số “0”

Mỗi công việc mới đòi hỏi bạn phải học hỏi và thích nghi với các hệ thống, quy trình xa lạ. Hơn nữa, bạn sẽ phải làm quen với văn hóa công ty mới và chứng tỏ mình là một nhân viên có giá trị mỗi khi chuyển việc. Việc xây dựng niềm tin và thể hiện kỹ năng của bạn cần có thời gian, nếu chuyển đổi công việc quá thường xuyên, bạn có thể bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp – thường được trao cho những nhân viên đã làm việc với công ty trong một thời gian dài hơn.

bat-loi-khi-nhay-viec-thuong-xuyen-kien-nghiep-group2

Ảnh hưởng đến việc xây dựng các mối quan hệ

Để tiếp cận được một công việc mong muốn đòi hỏi bạn phải có một mạng lưới các mối quan hệ mạnh mẽ cũng như người tham khảo tích cực. Bằng cách thường xuyên rời khỏi các công ty, bạn sẽ làm hỏng các mối quan hệ công việc có giá trị hoặc không có đủ thời gian để phát triển các kết nối lâu dài. Như vậy, bạn có thể gặp khó khăn khi nhờ các cấp quản lý viết cho bạn một lá thư giới thiệu có giá trị hoặc là người tham khảo hiệu quả, và điều này sẽ làm giảm khả năng phát triển sự nghiệp của bạn.

Nguy cơ bị sa thải

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tuyển dụng một lần nữa. Bạn sẽ sa thải ai trước khi hoạt động của doanh nghiệp trở nên khó khăn: những nhân viên trung thành với hàng tấn kiến thức về đặc thù của công ty, hoặc lực lượng lao động mới với kiến thức chung chung? Khi mọi thứ trở nên khó khăn, nhân viên trung thành thường sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Vì những lí do trên đây, trước khi quyết định theo đuổi một cơ hội nghề nghiệp mới, hãy chắc chắn bạn đã cân nhắc kỹ những nhược điểm chính của “nhảy” việc. Nó có thể mang lại niềm vui ngắn hạn, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đáng kể cho tương lai của bạn.

TIN LIÊN QUAN