CPA là gì và tất cả những điều cần biết về CPA

CPA là gì, lợi ích khi có CPA, điều kiện để nhận được CPA và tất tần tật những điều cần biết về chứng chỉ kiểm toán viên CPA Việt Nam.

CPA-la-gi-kien-nghiep-group

Chứng chỉ CPA là gì?

CPA (Certified Public Accountants – những kế toán viên công chứng được cấp phép) là những người hành nghề kế toán – kiểm toán được công nhận bởi các Hiệp hội nghề nghiệp trong nước hoặc quốc tế.

CPA Việt Nam là một chứng chỉ hành nghề của kiểm toán viên. Với chứng chỉ này bạn mới được xem là một kiểm toán viên, có quyền điều hành hoạt động kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán tại Việt Nam, so với thời gian trước đó chỉ là trợ lý kiểm toán viên – thực hiện các công việc đơn giản như kiểm tra chứng từ, sổ sách, tham gia kiểm kê…

Lợi ích khi có chứng chỉ kiểm toán viên CPA là gì?

Chứng chỉ CPA có mục tiêu là gì? Bạn sẽ nhận được những lợi ích sau khi có chứng chỉ CPA.

Nổi bật hơn so với các ứng viên khác

Không phải người làm kiểm toán nào cũng đạt được chứng chỉ CPA Việt Nam. Và khi đã sở hữu chứng chỉ này, bạn được công nhận là một kiểm toán viên chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn vững vàng và có các kỹ năng cần thiết bởi cơ quan có thẩm quyền trong nước.

Không chỉ được công nhận ở Việt Nam mà CPA Việt Nam còn được Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và CPA Úc (CPA Australia) công nhận từng phần. Người đã có chứng chỉ CPA Việt Nam sẽ được miễn 4/14 môn thi khi lấy chứng chỉ ACCA và được miễn 3/12 khi đi lấy chứng chỉ CPA Úc. Đây là các chứng chỉ kiểm toán có giá trị ở nhiều nước trên thế giới.

Điều này có nghĩa là trình độ của bạn cũng đã được quốc tế công nhận một phần. Một số người có CPA Việt Nam sau một thời gian làm việc đạt được trình độ và kinh nghiệm thực tế nhất định cũng được CPA Úc thừa nhận và cấp chứng chỉ CPA Úc. Chắc chắn không một nhà tuyển dụng nào muốn bỏ lỡ một ứng viên đầy tiềm năng như vậy.

Mở rộng đường sự nghiệp

Không quan trọng việc bạn đang làm kiểm toán cho các công ty nước ngoài hay trong nước, khi đã vượt qua bài kiểm tra CPA, cánh cửa sự nghiệp của bạn sẽ luôn rộng mở. Bạn sẽ có nhiều cơ hội làm việc cho các công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam và thế giới (Big 4: Pricewaterhouse Coopers (PWC), Deloitte, Ernst and Young (E&Y) và KPMG), đảm trách vai trò kiểm soát nội bộ cho các công ty hoặc tự mở dịch vụ riêng. Dù chọn hướng đi nào thì con đường sự nghiệp của bạn cũng phát triển lên một tầm cao mới khi có chứng chỉ CPA.

Những ai bắt buộc cần có chứng chỉ kiểm toán viên CPA?

Một kiểm toán viên thông thường sẽ không bắt buộc phải có chứng chỉ CPA. Tuy nhiên, như đã nói ở phần CPA là gì, nếu làm các công việc sau, bạn bắt buộc cần có chứng chỉ CPA.

  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh), chủ doanh nghiệp của các công ty kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
  • Thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên kinh doanh dịch vụ kế toán;
  • Kiểm toán viên ở các công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân cần ít nhất 5 kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán viên CPA khi đăng ký thành lập).

CPA-la-gi-kien-nghiep-group1

Điều kiện tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên CPA là gì?

Người dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên CPA cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, tuân thủ pháp luật;
  • Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học thuộc các chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; Hoặc có bằng tốt nghiệp đại học ở các chuyên ngành khác có học các môn Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động Tài chính, Thuế và số tiết học các môn này phải chiếm trên 7% tổng số tiết học của cả khóa học;
  • Có thời gian làm việc thực tế trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán ít nhất là 60 tháng, hoặc có thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán viên từ 48 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi;
  • Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán, muốn dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên CPA thì ngoài các điều kiện trên thì chỉ được dự thi sau đủ 2 năm có Chứng chỉ hành nghề kế toán.

Điều kiện để nhận chứng chỉ kiểm toán viên CPA là gì?

Người dự thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA phải đạt 38 điểm trở lên (trừ môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:

  • Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
  • Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
  • Thuế và quản lý thuế nâng cao;
  • Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;
  • Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
  • Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
  • Ngoại ngữ (trình độ C): chọn 1 trong 5 ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức.

Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán muốn dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên CPA phải đạt 12,5 điểm trở lên (trừ môn môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:

  • Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
  • Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
  • Ngoại ngữ (trình độ C): 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức.

Thời gian cho mỗi môn thi là 180 phút. Riêng môn ngoại ngữ là 120 phút.

CPA-la-gi-kien-nghiep-group2

Hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA

Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 91/2017/TT-BTC thì người đăng ký dự thi lấy chứng chỉ hành nghề kiểm toán cần nộp các hồ sơ sau:

Đối với người đi thi lần đầu:

1.     Phiếu đăng ký dự thi:

–        Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.

–       1 ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai

2.     Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu;

3.     Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú;

4.     Bản sao bằng tốt nghiệp được quy định tại điều kiện dự thi. Nếu là bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác thì phải nộp kèm bảng điểm có chứng thực ghi rõ số tiết của tất cả các môn học. Nếu người dự thi nộp bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì phải nộp kèm bảng điểm ghi rõ ngành học có chứng thực.

5.     3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.

Đối với người thi tiếp các môn chưa thi hoặc thi lại các môn chưa đạt yêu cầu

1.     Phiếu đăng ký dự thi:

–        Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.

–       1 ảnh màu (3×4) và đóng dấu giáp lai

2.     Bản sao Giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Hội đồng thi thông báo;

3.     3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.

Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán muốn dự thi lấy Chứng chỉ Kiểm toán viên CPA

1.     Phiếu đăng ký dự thi:

–        Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.

–       1 ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai

2.     Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu;

3.     Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú;

4.     Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề kế toán;

5.     3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.

Người đăng ký dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên cần gửi hồ sơ đến Hội đồng thi do Bộ Tài chính Việt Nam thành lập trước ngày thi ít nhất 30 ngày.

Qua các phần CPA là gì cũng như điều kiện lấy được chứng chỉ này, bạn có thể thấy không cần chứng chỉ CPA, bạn vẫn có thể theo đuổi nghề kiểm toán một cách chính thức và có được sự hài lòng trong công việc. Tuy nhiên, bạn sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và thử thách bản thân thông qua việc nhận được chứng chỉ này. Với nhiều lợi ích mang lại, CPA chính là nền tảng vững chắc cho bất kỳ ai muốn thành công và phát triển lâu dài trong lĩnh vực kiểm toán.

 

TIN LIÊN QUAN