Sẽ chẳng sao nếu bạn nghỉ việc hay chuyển ngành đổi nghề, nhưng sẽ là rất kì cục nếu vừa bước chân ra khỏi công ty cũ thì bạn đã mặc sức kể xấu về nơi mình từng bán mạng để làm việc.
80% người trẻ trước tuổi 30, từng nghỉ việc ít nhất một lần trong đời. Lí do thì vô vàn: vì không hợp môi trường, vì muốn thử sức nhiều hơn, vì mưu cầu mức lương cao chót vót, vân vân và mây mây. Sao cũng được, nghỉ việc cũng đâu phải chuyện gì cấm kị nhưng sẽ là rất kì cục nếu vừa nghỉ việc xong, bạn mặc sức nói xấu công ty cũ, đồng nghiệp cũ hay là cả sếp cũ.
C. là nhân vật chính trong câu chuyện mà tôi đang kể cho các bạn.
C. làm trong một tập đoàn nọ, khoảng trên dưới 3 năm. Kinh nghiệm cũng có và kỉ niệm cũng nhiều. Bỗng một ngày, vì nhất nhiều lí do tác động, C. nghỉ việc để tìm cho bản thân một con đường mới tốt hơn. Phải, làm gì thì cũng nhanh hơn người ta một bước, kể cả nghỉ việc. Điểm này cứ tạm đánh giá là C. thức thời. Và giả như mọi chuyện kết thúc ở đây thì thật đẹp. Một dấu chấm hết tròn trĩnh nhưng cây đang định lặng thì có người cứ muốn gió thổi vù vù. Nhân vật ấy ở đây, lại một lần nữa là C.
Nghỉ việc đối với C. là một sự ấm ức mãi không nguôi (dù bản thân cô là người đâm đơn). Cô TỰ cho rằng, công ty cũ không biết trân trọng tài năng của mình, o ép không cho cô phát triển. Rồi thì cô bắt đầu thêu dệt là 10 ngàn tấn drama về việc sếp cũ là con người giả tạo ra sao, về việc họ đã bòn rút trí óc của cô thế nào.
Rồi thì đồng nghiệp cũ là một đám tồi tệ, bè chứ không bạn, trước mắt thì giả lả cười nói nhưng kì tình khi cô gặp nạn thì chẳng ai giang tay cứu giúp. Trong bán kính 10 người, thì tôi biết rằng đã có đến 9 người “được” nghe C. kể lể về cuộc đời thảm thương của cô, về số phận đưa đẩy cô đến mức phải nghỉ việc.
Đến đây, tôi tự đặt ra một câu hỏi: mục đích cho sự giãi bày này là gì? Vì nghe có vẻ tiêu cực.
C. trên thực tế chỉ là 1 trong số rất nhiều người trẻ, quyết định ra đi với một tâm thế không-phục. Và hệ quả cho sự không-phục đó ở đây, là sinh ra bất mãn và hậm hực, tiếp đến là nỗ lực kêu gọi yêu thương từ phía khán thính giả (có thể hiểu là chính chúng ta). Ừ thì, nhu cầu chia sẻ cũng không sai nhưng việc lặp đi lặp lại 1 câu chuyện với cả tá người thì trước tiên, chỉ chứng minh rằng bạn là người thật rảnh. Rảnh vì đã tốn thời gian buông lời rèm pha mà không thử review lại năng lực bản thân.
Bạn có thiếu sót gì không, bước tiếp theo bạn đi như thế nào? Đừng bao giờ đặt mình vào vị trí nạn nhân mãi mà không tự dò soát lại sự thể hiện của bản thân trong công việc trước đó ra sao để mà phải rơi vào tình cảnh nghỉ việc.
Tốn thời gian vào câu chuyện ngồi lê đôi mách, đấy là một sự tính toán sai lầm. Chưa kể, nó làm giảm đi rất nhiều cái đẹp về hình ảnh của bạn trong mắt mọi người.
Ở một khía cạnh xa xôi hơn nữa, hành động kể lể không cần thiết này, đôi khi còn là con virus đục khoét tương lai của bạn.
Sẽ ra sao nếu chuyện bạn nói xấu chỗ cũ, đến tai nhà tuyển dụng mới? Miệng lưỡi người đời, tam sao thất bản, bạn quản nổi không, bạn đã nghĩ về vấn đề đó chưa? Đôi khi, chỉ vì vài phút kể cho sướng miệng, bạn vô tình tự bôi tro trát trấu vào chính hình ảnh của mình sau này. Liệu ai còn muốn tuyển một người, cứ hở ra là đi thêu dệt chuyện cũ về công ty truớc đó?
Đấy gọi là ví dụ điển hình cho câu nói: cái miệng làm hại cái thân.
Quả thực là khó, để tìm một người chịu gắn bó với một công việc suốt đời. Đi làm rồi nghỉ việc, âu cũng là quy luật tự nhiên. Vậy nên hãy đơn giản hóa mọi việc bằng suy nghĩ là: chỗ làm dù tốt hay xấu, cũng đều cho chúng ta những trải nghiệm, để biết đâu hợp với mình, đâu là nơi mình nên tránh xa. Mà đã là những trải nghiệm vô giá, thì mất công bêu xấu làm gì, nhỉ?
Hãy tôn trọng quá khứ, cũng là tôn trọng chính bản thân mình.