Kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng là vấn đề nhiều ứng viên quan tâm và tìm hiểu. Để giúp bạn chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn, bài viết xin chia sẻ một số điều ứng viên cần biết khi tham gia phỏng vấn vào các vị trí trong ngân hàng.
1. Tìm hiểu thông tin về Ngân hàng
Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng, việc tìm hiểu thông tin về ngân hàng là yếu tố đầu tiên ứng viên cần quan tâm. Việc này giúp bạn nắm bắt và hiểu về nơi mà bạn mong muốn làm việc, cũng là câu hỏi thường được nhà tuyển dụng đề cập trong cuộc phòng vấn.
Những thông tin chung về ngân hàng bao gồm: tên ngân hàng, logo, slogan, lịch sử hoạt độn, sứ mệnh, mục tiêu, giá trị cốt lõi của ngân hàng. Tất cả những hiểu biết trên sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết khi gặp những loại câu hỏi như “Tại sao em lựa chọn ngân hàng…”?
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu những thông tin về cơ cấu bộ máy, ban lãnh đạo ngân hàng. Trong buổi phỏng vấn nếu được nhà tuyển dụng đề cập tới thì bên cạnh những thông tin cá nhân của Chủ tịch HĐQT và TGĐ, bạn cũng có thể chứng vài thông tin ngoài lề mà mình biết để bày tỏ được sự quan tâm của mình tới đơn vị tuyển dụng.
Tiếp theo, bạn cần nắm vững các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho khách hàng cá nhân và chính sách ưu đãi sản phẩm. Sau đó hãy tự mình xây dựng 1 khung sản phẩm cơ bản mà ngân hàng đang cung cấp và liệt kê ra vài đặc điểm liên quan đến từng sản phẩm.
2. Tìm hiểu về vị trí ứng tuyển tại Ngân hàng
Trong phỏng vấn, có một câu hỏi cực kỳ nổi tiếng “Em có hiểu gì về công việc này không?”. Để trả lời được câu hỏi này, bạn cần tìm mối liên hệ trong bảng mô tả công việc của nhà tuyển dụng với những kiến thức đã được học tại trường để câu trả lời thật xuất sắc. Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng thì khi trả lời bạn nên dẫn chiếu những gì mình có với vị trí công việc ứng tuyển.
3. Kiểm tra lại nội dung thư xin việc
Thực tế, rất nhiều ứng viên lo lắng và thắc mắc rằng: “Liệu đi Phỏng vấn, họ sẽ hỏi mình cái gì, có hỏi nhiều về nghiệp vụ không, tại sao có người bị hỏi nhiều, có người nhà tuyển dụng chẳng hỏi gì? Mấu chốt ở đây là việc bạn giới thiệu mình như thế nào trong CV xin việc gửi tới nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, bạn nên đọc lại bản CV của mình 1 lần trước khi đến phỏng vấn. Quan trọng là bạn có thể “Dẫn dắt Nhà tuyển dụng vào những cái ĐIỂM MẠNH và hạn chế bộc lộ điểm yếu của bản thân”.
4. Chuẩn bị về trang phục và kiến thức
Đây được xem là mấu chốt của cuộc phỏng vấn. Theo đó, trang phục là yếu tố đầu tiên mà nhà tuyển dụng chú ý khi bạn bắt đầu vào phỏng vấn. Vì ngân hàng là môi trường làm việc cao cấp và lịch sự, nên bạn tránh mặc những bộ quần áo “quá thoải mái”, xuề xòa, cũng không nên quá cầu kỳ và chói lóa. Khi đi phỏng vấn ngân hàng, nên chọn trang phục giản dị, lịch sự. Một điều nhỏ cần chú ý là không nên có quá nhiều…mùi.
Đồng thời, trước khi tham gia cuộc phỏng vấn, bạn cũng cần chuẩn bị kỹ về mặt kiến thức. Đây là yếu tố để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực chuyên môn của bạn.
Về cơ bản, kiến thức chuyên môn (chuyên ngành) các bạn đã được test tại các đợt thi viết (trừ bạn nào có kinh nghiệm rồi, ko phải test) nên khi phỏng vấn sẽ không nhắc lại nhiều, chủ yếu với các bạn thi viết, hãy xem lại xem mình có sai gì trong đề thi viết không? vì có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi lại.
Trong khi phỏng vấn, nếu hỏi về nghiệp vụ, nhà tuyển dụng thường tập trung vào 2 hướng:
– Những câu mà bạn đã trả lời sai trong đề thi viết
– Những câu hỏi trọng tâm đánh thẳng vào chuyên môn bạn đang làm và chuyên môn bạn muốn làm tại bank của họ.
5. Đối diện với nhà tuyển dụng như thế nào?
Trong kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng, thái độ của ứng viên khi đối diện với nhà tuyển dụng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng được bắt đầu ngay từ phòng chờ. Tùy vị trí mà cần có phong thái phù hợp.
Khi vào phòng, hãy đi thẳng, hơi cúi chào, “đường hoàng” chủ động kéo ghế ngồi và chào Nhà tuyển dụng, không nên vì quá run mà khép nép quá. Trong quá trình phỏng vấn, bạn có thể mở đầu bằng cách chủ động giới thiệu bản thân, tập trung vào thông tin chính và đặc biệt nhấn mạnh đến chuyên ngành học hoặc kinh nghiệm phù hợp nhất với vị trí đang ứng tuyển – đừng mất thời gian bởi những thứ linh tinh (như sở thích, chứng chỉ không liên quan, các loại địa chỉ …).
Khi trả lời phỏng vấn, hãy cố gắng nhìn thẳng vào vùng tam giác giữa Hai Mắt và Miệng nhà tuyển dụng (tránh nhìn thẳng vào mắt). Trả lời gọn, rõ ràng, không dài dòng, cứ trả lời ý chính trước, họ hỏi thêm ta sẽ diễn giải.
Trên đây là một số kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng mà ứng viên cần nắm. Bài viết hi vọng đã đem đến thông tin hữu ích, giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phỏng vấn.