Đối với một vị trí quan trọng như kế toán trưởng, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi khó khăn nhất nhằm đảm bảo ứng viên được chọn là người phù hợp nhất. Bạn vừa nhận được cuộc hẹn phỏng vấn? Bạn đang lo lắng không rõ nhà tuyển dụng sẽ hỏi những gì? Vậy bạn không thể bỏ qua 20 câu hỏi phỏng vấn kế toán trưởng khó khăn nhất dưới đây.
Kế toán trưởng có nhiệm vụ gì?
Kế toán trưởng (Chief Accountant) là người chịu trách nhiệm cho các hoạt động kế toán và thuế của doanh nghiệp. Tùy theo quy mô doanh nghiệp, kế toán trưởng có thể đứng đầu bộ phận kế toán hoặc một nhóm các kế toán viên. Kế toán trưởng có nhiệm vụ quản lý hoạt động kế toán, giải quyết các công việc liên quan tới quyết toán, kiểm kê sổ sách kế toán, lập báo cáo tài chính cũng như phân tích và dự báo nguồn ngân sách.
Câu hỏi phỏng vấn kế toán trưởng
1. Nói về một tình huống mà bạn cần sử dụng số liệu làm bằng chứng.
Việc phân tích và phiên giải số liệu là một kỹ năng không thể thiếu đối với bất kỳ một kế toán trưởng nào. Đa số các chuyên gia tài chính và các kế toán viên đều đang làm việc này hàng ngày. Tuy nhiên, để gây ấn tượng, hãy cố gắng nói đến ảnh hưởng của những gì bạn đã làm. Điều bạn làm đã thực sự giúp ích cho doanh nghiệp như thế nào?
2. Bạn quen dùng phần mềm kế toán nào nhất?
Hiện nay, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên vị trí kế toán trưởng sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán. Bạn có thể biến câu hỏi này thành một cơ hội để bàn luận với nhà tuyển dụng về các kỹ thuật công nghệ thông tin được sử dụng trong công việc của kế toán trưởng.
Có nhiều gói phần mềm kế toán hiện đang được sử dụng, bạn có thể không biết tất cả. Nhưng nếu bạn chỉ biết một trong số chúng, nhà tuyển dụng có thể sẽ không đánh giá cao bạn, dù phần mềm đó là một phần mềm tốt và thông dụng. Bạn cần biết đủ số phần mềm dùng cho công việc và đưa ra đánh giá rằng phần mềm nào tốt phần mềm nào không. Bạn cũng cần biết về những phần mềm mới đang phát triển, dù bạn không sử dụng đến chúng.
Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm sử dụng những phần mềm thông dụng, hãy chắc rằng bạn có thể kể tên một vài trong số chúng, cũng như hiểu rõ về mục đích sử dụng của những phần mềm này.
3. Bạn làm thế nào để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và tuân thủ nguyên tắc của các hồ sơ kế toán?
Câu hỏi này được đưa ra nhằm đánh giá hiểu biết của bạn đối với đặc thù nghề nghiệp. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì câu hỏi này, trả lời rằng bạn kiểm tra kỹ trong quá trình thực hiện và trước khi báo cáo được đưa ra. Hãy nhớ tới các bước phân tích số liệu, đảm bảo tính tuân thủ của số liệu, phiên giải và đánh giá báo cáo cuối,…
4. Hãy kể về một lần bạn giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí?
Mọi kế toán trưởng nên biết cách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của kế toán trưởng. Hãy kể về một lần bạn giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí bằng một ý tưởng mới. Hãy chuẩn bị các số liệu tài chính trong trường hợp nhà tuyển dụng yêu cầu bạn chứng minh.
5. Hãy cho tôi một ví dụ về báo cáo kế toán mà bạn đã thực hiện.
Nói về báo cáo bạn đã thực hiện, hãy nói về kinh nghiệm của bạn đối với việc tuân thủ các quy định về kế toán, cũng như những yêu cầu của công ty. Một báo cáo kế toán được thực hiện cần tuân theo các chính sách của doanh nghiệp.
Ở phần này, bạn cũng nên cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người luôn hoàn thành công việc đúng hạn, cũng như bạn có kiến thức tốt về các điều khoản luật và quy định.
6. Các bước bạn thực hiện trước khi chấp thuận một hóa đơn hoặc phiếu thanh toán?
Câu hỏi này được dùng để đánh giá hiểu biết của bạn đối với quy trình chấp thuận thanh toán. Do vậy, nhớ ôn lại kiến thức về phần này. Các bước có thể bao gồm kiểm kho, kiểm sổ,… Bạn cũng nên nói đến tầm quan trọng của từng bước đối với toàn bộ quy trình.
7. Các bước lên ngân sách là gì?
Khi lên ngân sách, các bước được sử dụng là gì? Lên kế hoạch, liệt kê các hoạt động, lên ngân sách, gửi ngân sách để duyệt nội bộ,… Từng bước đều quan trọng và cần được thực hiện một cách cẩn thận, chi tiết. Việc lên ngân sách phù hợp và sát nhất với nhu cầu thực tế sẽ giúp tiết giảm những chi phí không đáng có.
8. Hãy kể về kinh nghiệm trình bày báo cáo tài chính với người không có chuyên môn.
Kế toán trưởng không chỉ làm việc với các kế toán viên hoặc những người có chuyên môn, họ đôi khi cần giải thích quy trình, khái niệm hoặc trình bày báo cáo với những người không có hiểu biết về kế toán.
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những câu trả lời thể hiện được khả năng đơn giản hóa các thông tin phức tạp và trình bày chúng một cách dễ hiểu. Bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được hiểu biết của bạn đối với những kiến thức kế toán cơ bản, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng truyền thông, kỹ năng làm việc nhóm cũng như sự kiên nhẫn.
9. Bạn ước tính nợ xấu bằng cách nào?
Đối với câu hỏi này, bạn có thể thể hiện hiểu biết của bản thân đối với những cách tính nợ xấu phổ biến nhất, cũng như thảo luận với nhà tuyển dụng về cách mà doanh nghiệp của họ đang đối phó với vấn đề này.
10. Hãy kể về một lần bạn phải đối mặt với hạn chót lập báo cáo tài chính.
Tốt hơn hết là nói về một kinh nghiệm thực tế mà bạn đã trải qua. Với kinh nghiệm này, bạn đã phản ứng thế nào? Kết quả là gì? Đừng cố nói quá hoặc đưa thêm các yếu tố để tăng kịch tính. Nhà tuyển dụng có thể sẽ đánh giá bạn thiếu trung thực.
Tuy nhiên, nếu bạn không có kinh nghiệm với tình huống này, ví dụ từ một đồng nghiệp cũng có thể có giá trị.
11. Hãy nói về kinh nghiệm đưa ra dự báo nguồn tài chính của bạn?
Một trong các nhiệm vụ của kế toán trưởng là phân tích và đưa ra dự báo nhằm đảo bảo nguồn tài chính được sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Hãy kể về một kinh nghiệm của bạn. Bạn đưa ra dự báo dựa trên những cơ sở nào? Việc dự báo của bạn đã ảnh hưởng thế nào tới nguồn tài chính lưu thông trong doanh nghiệp?
12. Bạn làm thế nào để luôn cập nhật những quy chuẩn kế toán mới?
Nền kinh tế cũng như luật pháp và quy định luôn thay đổi, đòi hỏi các kế toán trưởng phải luôn luôn cập nhật để đảm bảo tính phù hợp của sổ sách và quy trình kế toán.
Câu trả lời của bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy được sự nhạy bén và mong muốn cập nhật thông tin của bạn.
13. Sự khác biệt giữa tài khoản phải thu và tài khoản phải trả?
Câu hỏi này được đưa ra nhằm đánh giá kiến thức của bạn đối với những nguyên tắc kế toán cơ bản. Hãy tự tin đưa ra câu trả lời một cách ngắn gọn và tập trung vào những điểm chính. Nhớ rằng, nhà tuyển dụng có thể đánh giá cả nội dung câu trả lời và cách trả lời của bạn.
14. Nếu một công ty có ba tài khoản ngân hàng, số lượng sổ cái tối thiểu cần có là bao nhiêu?
Đây cũng là một câu hỏi nhằm thăm dò kiến thức của bạn. Lần này là về sổ cái. Nhà tuyển dụng mong muốn một câu trả lời thể hiện được suy nghĩ của bạn về sự liên quan giữa tài khoản và hoạt động kinh doanh cũng như các nguyên tắc kế toán.
15. Bạn làm thế nào để phân biệt kiểm toán và kế toán?
Đối với câu hỏi này, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đưa ra một câu trả lời giải thích về các nguyên tắc cơ bản và vai trò của từng quy trình. Câu hỏi này không phải câu hỏi mẹo. Nó chỉ được dùng để đánh giá kiến thức của bạn.
16. Bạn sử dụng tự động hóa hoặc hợp lý hóa quy trình công việc để cải thiện quy trình kế toán như thế nào?
Là một kế toán trưởng, bạn không thể bỏ qua việc áp dụng các kiến thức, công nghệ mới vào các quy trình kế toán nhằm nâng cao hiệu suất cũng như giảm thiểu chi phí và sai sót. Nhà tuyển dụng tất nhiên muốn đánh giá khả năng này ở ứng viên.
Để trả lời câu hỏi này, hãy nhấn mạnh vào cách bạn thực hiện và hiệu quả mà việc áp dụng các quy trình, công nghệ mới mang lại đối với công việc kế toán nói riêng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
17. Đã bao giờ bạn thấy không hài lòng với một quy trình kế toán?
Ở câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Khi bạn nói về một quy trình kế toán mà bạn không hài lòng, nhà tuyển dụng kỳ vọng ở bạn ba điều:
- Bạn không hài lòng với điều gì?
- Bạn đã khắc phục như thế nào?
- Bạn rút ra được kinh nghiệm gì từ tình huống đó?
18. Bạn nghĩ thế nào về những điểm mới trong kế toán hiện nay.
Không giống như các câu hỏi được đưa ra nhằm hiểu về kiến thức, kinh nghiệm hay kỹ năng của bạn, câu hỏi này sẽ cho nhà tuyển dụng biết về tư duy phản biện của bạn. Bạn có biết về các thay đổi về luật thuế? Bạn có biết những quy định mới về kế toán?
Ngoài ra, câu trả lời của bạn còn cho thấy mức độ gắn bó với nghề và khả năng thể hiện bản thân thông qua những suy nghĩ, ý tưởng mới.
19. Theo bạn, thách thức lớn nhất đối với một kế toán trưởng hiện nay là gì?
Câu hỏi này có thể có nhiều câu trả lời. Bạn có thể nói đến những chủ đề đang được quan tâm như trí thông minh nhân tạo, lao động giá rẻ hay các phần mềm hiện đại. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn có đủ hiểu biết về ngành công nghiệp cũng như những thách thức nghề nghiệp để trả lời câu hỏi này không. Nhưng nên nhớ, dù câu trả lời của bạn là gì, hãy chuẩn bị cho những câu hỏi phát sinh thêm của nhà tuyển dụng sau đó.
20. Ba kỹ năng của một kế toán trưởng giỏi là gì?
Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng kỳ vọng nhận được câu trả lời về hai điểm:
- Những kỹ năng mà bạn đề cập có phải những điều mà họ mong muốn?
- Những ý bạn nêu ra có thể cung cấp cho họ thêm gợi ý để phát triển bộ phận kế toán.
Những câu trả lời liên quan đến tầm quan trọng của công nghệ thông tin, kiến thức về kinh doanh, định hướng chăm sóc khách hàng,… có thể được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Những điều cần tránh để có cuộc phỏng vấn thành công
Ngoài việc chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn vị trí này, việc lưu ý những điều cần tránh cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn có một cuộc phỏng vấn thành công.
1. Không tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp
Hãy chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như cách bạn chuẩn bị cho một bài kiểm tra. Hãy nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp. Như vậy, bạn sẽ có đủ thông tin để trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng về hiểu biết đối với công ty họ cũng như thể hiện mong muốn ứng tuyển vị trí kế toán trưởng của họ.
Ngoài ra, việc chuẩn bị cũng có thể giúp bạn bớt lo lắng và tự tin hơn.
2. Trang phục không phù hợp
Nhà tuyển dụng đôi khi sẽ đánh giá ứng viên thông qua trang phục mà họ mặc. Nếu bạn xuất hiện tại buổi phỏng vấn với trang phục quá xuề xòa hoặc không trang trọng, nhà tuyển dụng có thể có ấn tượng không tốt đối với bạn ngay cả khi bạn chưa kịp nói gì.
3. Sử dụng điện thoại di động
Bạn không nên sử dụng điện thoại di động trong buổi phỏng vấn. Ngay cả khi bạn chỉ đơn giản là muốn xem giờ. Việc liếc qua điện thoại có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không lịch sự hoặc dễ bị phân tâm. Trước khi bước vào phòng, hãy tắt điện thoại và để trong túi.
4. Nói dối
Theo chia sẻ của một headhunter có kinh nghiệm lâu năm thì bạn có thể nói dối trong một vài trường hợp là tốt, nhưng bạn không nên nói dối trong cuộc phỏng vấn. Khi nhà tuyển dụng biết được sự thật, bạn sẽ ngay lập tức bị loại bỏ, kể cả đối với những cơ hội khác trong tương lai tại doanh nghiệp.
5. Tỏ ra quá thân mật
Đây là một cuộc phỏng vấn công việc. Bạn có thể nói chuyện một cách thân thiện tuy nhiên đừng đi quá giới hạn. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân. Việc này có thể dẫn đến những đánh giá phiến diện về con người bạn. Hơn nữa, bạn chỉ có một khoảng thời gian nhất định với nhà tuyển dụng. Vậy nên hãy tập trung vào những điểm mạnh của bạn trong công việc cũng như nhu cầu của doanh nghiệp.