Một vài lời khuyên tìm việc dành cho sinh viên mới ra trường

Việc lựa chọn hướng đi cho tương lai trở thành áp lực không ít đối với những sinh viên năm cuối. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn trên con đường tìm kiếm việc làm.

Gần như 100% trong chúng ta, khi xin việc đều có những mục đích chung như “tiền lương”, “kinh nghiệm”, “ổn định”, “cơ hội thăng tiến”. Nhưng bạn chớ vội vàng đặt tiền lương lên trước, bởi có khi nào ta tự hỏi “mình chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều kĩ năng mềm, lại mới ra trường, chưa thực sự hiểu rõ về công việc” thì mục đích trước mắt của mình khi xin làm công việc này là gì? Sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn.

Hãy tìm ra sở thích và đam mê của mình

Nhiều chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Anh khuyên rằng, trước khi ra trường là phải tìm ra sở thích của mình trước tiên. Đó phải là lĩnh vực mà bạn cảm thấy hứng thú nhất. Nó có thể là sáng tạo một cái gì đó, ước muốn mang đến sự công bằng, tìm kiếm sự khác biệt hoặc thậm chí là thích kết nối với mọi người. Nhưng bạn phải hiểu rõ đâu là sự nghiệp bạn muốn xây đắp và đâu là sở thích đơn thuần. Hãy tham gia một số chương trình tình nguyện, phục vụ cộng đồng cũng là cơ hội rất tốt để bạn khám phá bản thân mình thích gì, yêu gì, giỏi lĩnh vực nào.

Tìm việc sớm

Tìm kiếm được một công việc mất khá nhiều thời gian, cho nên bạn hãy bỏ qua thời gian nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp để tìm cho mình công việc ưng ý. Quá trình tuyển dụng có thể kéo dài hàng tháng trời, đặc biệt với những ứng viên không có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, các bạn sinh viên năm cuối nên khởi động quá trình tìm việc càng sớm càng tốt nhé!

Đưa tất cả kinh nghiệm, thành tích vào CV

Lời khuyên cho sinh viên mới ra trường hãy điền tất cả những kinh nghiệm và thành tích của mình vào trong CV. Đôi khi những thành tích không liên quan ấy sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được bạn có một vài kỹ năng phù hợp với công việc. Do đó, nếu bạn từng tham gia vào một chương trình tình nguyện, hay có thành tích trong lĩnh vực tổ chức thì nhà tuyển dụng sẽ chú ý bạn hơn.

Đừng bỏ qua các công việc làm thêm

Sinh viên năm cuối thì đừng bỏ qua những công việc làm thêm. Có thể bạn nghĩ rằng, kinh nghiệm làm thêm thì có ích gì đâu. Bạn hoàn toàn sai lầm đấy! Nếu bạn từng là nhân viên bán hàng thì chắc chắn bạn sẽ có kinh nghiệm giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm… Ngoài ra, làm thêm còn giúp bạn phát triển kỹ năng mềm và xây dựng thêm nhiều mối quan hệ. Thêm nữa, những kinh nghiệm làm thêm sẽ giúp bạn làm đầy CV của mình. Không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên thiếu những kỹ năng mềm.

Đừng từ chối các kỳ thực tập

Kỳ thực tập không những giúp bạn được tiếp xúc với công việc thực tế mà nó còn giúp bạn có thêm kinh nghiệm. Nếu bạn thể hiện tốt trong kỳ thực tập thì bạn sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức. Do đó, bạn đừng nên bỏ lỡ kỳ thực tập của mình.

Đừng rải CV

Internet phát triển khiến cho việc nộp CV dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bạn cũng đừng “lợi dụng” tình thế đó mà rải CV xin việc một cách “tràn lan đại hải”. Ngoài ra, việc rải CV như vậy khi được gọi đi phỏng vấn bạn sẽ không biết vị trí công việc đó như thế nào để chuẩn bị. Do đó, bạn nên chọn 3 công ty mà mình thích sau đó, chờ nhà tuyển dụng gọi điện hẹn phỏng vấn với bạn. Hãy dành thêm thời gian để xem xét kỹ loại công việc, tìm hiểu mức lương và sửa chữa lại CV cho phù hợp với vị trí đó.

Rút kinh nghiệm sau phỏng vấn

Nếu chẳng may không được nhận thì bạn cũng đừng buồn. Hãy xem xét mình thiếu sót ở điểm nào rồi từ đó khắc phục chúng để không mắc sai lầm vào lần sau. Bạn có thể trực tiếp hỏi những người phỏng vấn bạn để rút kinh nghiệm. Sẽ có rất nhiều cơ hội cho bạn chỉ cần bạn chịu khó tìm kiếm.

Đừng mang tâm lí “cứ đi thử cho biết”

Hầu hết các tân cử nhân đều có suy nghĩ là “thử đi cho biết”.Những người làm trong nghành nhân sự than thở tại sao sinh viên mới ra trường lại luôn có thái độ hời hợt với công việc. Điều này gây ấn tượng khiến nhà tuyển dụng “ngại” tuyển sinh viên mới ra trường. Tại sao bạn không xác định rõ công việc mình thích và làm việc với một tinh thần nhiệt huyết?

Đừng ảo tưởng về bằng cấp của mình

Nhiều sinh viên mới ra trường vì ảo tưởng về bằng cấp của mình mà “chê” lương thấp. Họ đòi một mức lương cao chót vót vì tấm bằng loại giỏi của mình, rồi lại ấp úng khi được nhà tuyển dụng hỏi: “Tại sao chúng tôi nên trả cho bạn mức lương đó?”. Ở mỗi giai đoạn thì mỗi mục đích sẽ được đặt ở vị trí ưu tiên khác nhau. Trong thời điểm này thì chúng ta cần và nên để “kinh nghiệm” lên hàng đầu bạn nhé!

TIN LIÊN QUAN

Tin mới

Media