Muốn làm chủ cuộc sống hãy học cách nhìn xa trông rộng

Bạn muốn nhìn trước tương lai? Hãy xây dựng một tầm nhìn xa hơn. Theo nhà tư vấn sáng tạo Ari Wallach, một tầm nhìn đi trước thời đại là hoàn toàn có thể đạt được thông qua những thói quen tư duy tích cực.

Trong hơn 20 năm làm cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo về việc xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, Ari Wallach đã chứng kiến tác động to lớn mà tầm nhìn xa trước thời đại có thể mang lại. Ông cũng nhận thấy rằng càng ngày xã hội càng có xu hướng thu hẹp tầm nhìn của mình lại: thay vì bàn về những thay đổi trong 10 hay 20 năm tới, mọi người giờ chỉ muốn bàn về những thay đổi trong 6 tháng tiếp theo.

Lối tư duy “ngắn hạn” này, theo Wallach, là nguyên nhân gây ra những hệ lụy xã hội. Khi các nhà lãnh đạo có tư duy ngắn hạn, chính phủ sẽ từ chối đầu tư cho y tế dự phòng, dẫn đến tổn thất nặng nề nếu dịch bệnh xảy ra. Khi những giáo viên có tư duy ngắn hạn, họ sẽ từ chối đầu tư thời gian giải quyết khó khăn cho học sinh, dẫn đến việc các em gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi chuyển cấp. Khi các doanh nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn, họ sẽ lao theo lợi nhuận tức thời thay vì đầu tư cho những sản phẩm có giá trị dài lâu, dẫn đến việc phá sản hàng loạt khi những trào lưu mua sắm biến mất.

Muốn phát triển lâu dài đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn hơn.  Theo Wallach, có 3 cách để xây dựng thói quen tư duy nhìn trước thời đại.

Tập suy nghĩ cho những thế hệ sau

Khi bạn gặp một vấn đề cần giải quyết, đừng chỉ nghĩ đến tác động của nó vào thời điểm hiện tại. Hãy nghĩ về việc hành động của bạn ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng ra sao vào ngày mai, tới những thế hệ sau này.

Ví dụ, các bậc cha mẹ hiện nay rất bận rộn nên không có thời gian trông con. Nhiều người sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm giữ trẻ ngồi yên, giúp bố mẹ có thời gian rảnh tay làm việc khác. Đây là cách nhanh nhất, đơn giản nhất và cũng rất hữu hiệu. Thế nhưng, nếu bạn nhìn hành động này theo hướng tương lai, bạn sẽ thấy hậu quả nó để lại trên trẻ em khi chúng lớn lên.

Không những thế, cách bạn dạy dỗ con của ngày hôm nay cũng sẽ trở thành cách con bạn đối xử với các con của chúng, nghĩa là hành động của bạn sẽ có tác động lâu dài trong nhiều thế hệ của gia đình bạn. Do đó, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư thời gian chăm sóc con cũng như trò chuyện, thiết lập kỉ luật với trẻ. Mặc dù cách làm này tốn thời gian và công sức hơn, nhưng hiệu quả đem lại tích cực hơn rất nhiều so với cách làm trước.

Tư duy về nhiều tương lai khác nhau

Khi một người nghĩ về tương lai dài hạn, chúng ta thường có suy nghĩ chung rằng sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật sẽ đem lại những thay đổi tích cực, rằng đến lúc đó các vấn đề hiện tại của chúng ta sẽ được giải quyết hết.

Cách nhìn này không có gì sai, bởi quả thật chúng ta đã sử dụng những tiến bộ công nghệ để giải quyết được rất nhiều khó khăn trong quá khứ. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề mới lại nảy sinh. Theo Wallach, khi nghĩ về tương lai, đừng chỉ tưởng tượng ra một tương lai, mà hãy nghĩ về nhiều  tương lai. Có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong mỗi kịch bản đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp đối phó khác nhau. Do đó, tư duy về một tương lai đa hình là rất hữu ích.

Hãy nghĩ về đích đến cuối cùng

Chúng ta có thể thỏa sức tư duy về nhiều kịch bản khác nhau của tương lai, nhưng chúng ta cần kiên định về đích đến cuối cùng của mình là gì. Khi bạn xây dựng phương hướng giải quyết một vấn đề hay lên chiến lược dài hạn, đừng bao giờ bỏ quên mục tiêu ban đầu bạn đề ra. Ví dụ, bạn mong ước đạt được một thành tựu trong sự nghiệp. Từ hiện tại cho đến ngày bạn đạt được ước mơ là một khoảng thời gian dài với nhiều biến động có thể xảy ra. Bạn có thể thiết kế nhiều giải pháp để đối phó với từng hoàn cảnh, nhưng mọi giải pháp đều phải hướng đến một mục tiêu chung là giúp bạn đạt được nguyện vọng của mình.

Tuy nhiên, đạt được mục đích không phải là điểm dừng trong tư duy của bạn. Bạn còn cần phải nghĩ về những dự định sau đó nữa. Ví dụ, khi đã đạt đến một ngưỡng nhất định trong sự nghiệp, tiếp theo bạn muốn làm gì, cần phải làm gì và làm như thế nào?

Thay đổi tư duy từ ngắn hạn sang dài hạn giúp bạn luôn chủ động ứng phó với mọi diễn biến thất thường của cuộc sống. Nhờ có tư duy dài hạn, bạn hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của mình.

TIN LIÊN QUAN