Nét độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Có nhiều lý do để nước Nhật trở thành cường quốc của thế giới. Một trong các lý do được cho là đặc trưng của đất nước Nhật Bản là yếu tố con người và văn hóa kinh doanh. Điều này cũng đã được thể hiện rõ nét trong văn hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản.

1. Nguyên nhân  làm nên đặc thù của VHDN Nhật Bản

Đạo Khổng du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm, kết hợp với tinh thần tôn vinh giới Võ sĩ đạo như là một đẳng cấp hàng đầu: Võ sĩ – Trí thức – Công nông – Thương nhân, đã làm nên một xã hội đẳng cấp kiểu Nhật Bản với tư tưởng đề cao Lễ – Tín – Nghĩa – Trí – Nhân. Cho đến nay, tinh thần đó vẫn biểu hiện rất mạnh trong các mối quan hệ xã hội và các tổ chức của Nhật Bản.

Nhật Bản là đất nước nghèo nàn về tài nguyên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng để khẳng định mình, Nhật Bản có khuynh hướng du nhập và kế thừa, phát huy nhiều nét văn hóa để trở thành văn hóa riêng của mình. Bởi vậy, văn hóa doanh nhân Nhật Bản có sự giao thoa đỉnh cao các yếu tố Tây / Đông/ Nhật Bản. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó sự phát triển sẽ làm bộc lộ nhiều bất cập và mâu thuẫn. Tất cả cái đó cũng phản ánh trong tính cách phức tạp của người Nhật Bản.

Ngôn ngữ có nhiều mặt hạn chế (như rất ít các nguyên âm, phụ âm luôn đặt trước nguyên âm, một tỉ trọng lớn từ ngữ gốc ngoại nhập được thể hiện dưới dạng chữ Kanji và chữ Katakana) làm cho người Nhật Bản rất cẩn trọng khi phát biểu, thể hiện chính kiến, và thường thông qua thái độ ngầm định, những yếu tố phi ngôn ngữ, sự nỗ lực thể hiện của bản thân, nhằm lấp chỗ trống của ngôn từ. Bởi vậy, để hiểu họ thường phải kết hợp nghe họ nói, quan sát những gì họ thể hiện mới thấu hiểu tính cách của họ.

Sự thất bại của Nhật Bản trong Đại chiến thế giới lần thứ II khiến Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn, bên cạnh đó là sự ràng buộc bởi rất nhiều cam kết bất lợi. Điều này khiến cả nước Nhật gắn kết lại, làm hết sức mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong thời kì này, dấy lên trong xã hội Nhật Bản sự tôn vinh lao động xả thân vì doanh nhân và vì xã hội. Người Nhật Bản coi trọng lao động hơn tất cả, gắn bó với doanh nhân hơn với gia đình của mình, đặt tất cả sự nghiệp của mình cho sự thành công của tổ chức. Cạnh tranh và hiệp tác được thúc đẩy song hành. Hàng chục năm qua đi, những phẩm chất đó đã trở thành những nét mới, bền chắc và định hình thành Văn hóa doanh nhân Nhật Bản, từ đó đã giúp nhiều doanh nhân Nhật Bản gặt hái được thành công, Nhật Bản trở thành cường quốc thứ II trong nền kinh tế thế giới.

2. Nét độc đáo của VHDN Nhật Bản

Triết lí kinh doanh

Có thể nói rất hiếm các doanh nhân Nhật Bản không có triết lí kinh doanh. Điều đó được hiểu như sứ mệnh của doanh nhân trong sự nghiệp kinh doanh; là hình ảnh của doanh nhân trong ngành và trong xã hội. Nó có ý nghĩa như mục tiêu xuyên suốt, có ý nghĩa định hướng cho doanh nhân trong cả một thời kì phát triển dài. Thông qua triết lí kinh doanh, doanh nhân tôn vinh một hệ giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến doanh nhân.

Hơn nữa, các doanh nhân Nhật Bản sớm ý thức được tính xã hội hóa ngày càng tăng của hoạt động sản xuất kinh doanh, nên triết lí kinh doanh còn có ý nghĩa như một thương hiệu, bản sắc của doanh nhân. Ví dụ như, Công ty Điện khí Matsushita: “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước” và “kinh doanh là đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng”. Hay Công ty Sony: “Sáng tạo là lí do tồn tại của chúng ta”…

Lựa chọn những giải pháp tối ưu

Những mối quan hệ: Doanh nhân – Xã hội; Doanh nhân – Khách hàng; Doanh nhân – Các doanh nhân đối tác; Cấp trên – cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết, các doanh nhân Nhật Bản thường tìm hiểu kỹ các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình trên cơ sở các bên đều có lợi.

Đối nhân xử thế khéo léo

Trong quan hệ, người Nhật Bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn cho đối tác hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa luôn thể hiện ở kết quả cuối cùng. Mọi người đều có ý thức rất rõ rằng không được xúc phạm người khác, cũng không cần buộc ai phải đưa ra những cam kết cụ thể. Nhưng những chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức doanh nhân (trách nhiệm đặt trên tình cảm) đã tạo một sức ép vô hình lên tất cả, khiến mọi người phải xác định được bổn phận của mình nếu muốn có chỗ đứng trong tổ chức.

Điều này rõ ràng đến mức khi tiếp xúc với các nhân viên người Nhật, nhiều người nước ngoài cảm thấy họ tận tụy và kín kẽ, nếu có gì xẩy ra, thì lỗi rất ít khi thuộc về người Nhật Bản. Người Nhật Bản có qui tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình như sau: Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng và chính danh; không phê bình khiển trách tùy tiện, vụn vặt, chỉ áp dụng khi sai sót có tính hệ thống, có hậu quả rõ ràng; việc phê bình phải được tiến hành một cách hòa hợp, không đối đầu.

Phát huy tính tích cực của nhân viên

Người Nhật Bản quan niệm rằng: Trong bất cứ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi khối óc, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái Tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim. Nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên.

Các DN Nhật Bản đều coi con người là tài nguyên quí giá nhất, nguồn động lực quan trọng nhất làm nên giá trị gia tăng và phát triển bền vững của DN. Người Nhật Bản quen với điều: Sáng kiến thuộc về mọi người, tích cực đề xuất sáng kiến quan trọng không kém gì tính hiệu quả của nó, bởi vì, đó là điều cốt yếu khiến mọi người luôn suy nghĩ cải tiến công việc của mình và của người khác. Một DN sẽ thất bại khi mọi người không có động lực và không tìm thấy phần nào họ có thể đóng góp.

Tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo

Tư tưởng kinh doanh hiện đại là lấy thị trường làm trung tâm, xuất phát từ khách hàng và hướng tới khách hàng. Điều này đã thể hiện rất rõ trong phong cách và đường lối kinh doanh Nhật Bản. Các DN lớn chỉ chiếm không đến 2% trong tổng số các DN Nhật Bản, còn lại đại bộ phận là các DN vừa và nhỏ. Nhưng sự liên kết giữa các DN rất đa dạng và hiệu quả. Đó là sự liên kết hàng ngang giữa các công ty mẹ, nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối của các công ty thành viên, tăng khả năng cạnh tranh vào các thị trường lớn, với các đối thủ lớn trên trường quốc tế.

Nhưng dưới mỗi công ty mẹ là vô số các công ty con liên kết theo chiều dọc nhằm phát huy những lợi thế tương đối của các công ty thành viên, khai thác lợi thế tiềm năng của thị trường tại chỗ, tăng lợi thế tuyệt đối cho công ty mẹ, và uyển chuyển thích nghi khi có biến động kinh tế. Sự liên kết đó thấy rất rõ qua hình thức cổ phần chéo, gắn kết về tài chính, nghiên cứu phát triển, hệ thống kênh phân phối, cung ứng đầu vào, hỗ trợ nhân sự… Các doanh nhân Nhật Bản luôn đề cao chất lượng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, các cam kết kinh doanh, đi trước thị trường cũng như việc kết hợp hài hòa các lợi ích.

TIN LIÊN QUAN