“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Không chỉ trong cuộc sống mà trong công việc, sự nghiệp, chúng ta đều rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của những người xung quanh. Vậy giữa rất nhiều mối quan hệ đang có, đâu là người bạn nên cân nhắc “lợi dụng” để phát triển bản thân?
Sau những buổi tán dóc như vậy, bạn được gì chưa? Bạn có phát triển được bản thân, sự nghiệp hay học hỏi được điều gì mới?
Tục ngữ Việt Nam có một câu nói rất hay, chỉ 8 chữ đơn giản đã chỉ ra cho chúng ta thấy sức mạnh của những mối quan hệ trong cuộc sống là “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”. Bởi vì những người bạn giống như “chiếc gương” phản chiếu lại chính bạn vậy. Đó là lý do nếu muốn phát triển sự nghiệp, muốn tiền đồ trước mắt rộng mở bạn bắt buộc phải chọn những người bạn phù hợp, thậm chí là “lợi dụng” những mối quan hệ đó để phát triển bản thân và sự nghiệp.
Bạn cùng ngành – Mối quan hệ cùng tiến
Mối quan hệ đầu tiên mà bạn nên dành thời gian để đầu tư chính là bạn bè, đối tác,… cùng làm trong một lĩnh vực với bạn. Vì hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ về công việc, những thách thức và khó khăn mà bạn gặp phải trong sự nghiệp. Chính vì vậy, họ là người có thể giúp bạn học hỏi thêm những kiến thức chuyên ngành, đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.
Hơn nữa, nếu bạn muốn đi xa hơn trong sự nghiệp của mình, những mối quan hệ cùng ngành sẽ vô cùng quan trọng. Họ là những người có thể tiến cử, giúp bạn tìm kiếm một công việc mới phù hợp hay thậm chí là hợp tác cùng bạn trong tương lai.
Cấp trên – Mối quan hệ học hỏi
Cấp trên được xem là một “yếu nhân” – giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Không chỉ là người tiến cử, đề bạt bạn trong tương lai mà còn là người sẽ hướng dẫn, giúp đỡ bạn phát triển kĩ năng chuyên môn, kĩ năng mềm nhiều nhất. Vì thế, một mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên sẽ giúp bạn “lợi nhiều hơn hại”.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng, xây dựng và duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên không đồng nghĩa với việc “nịnh” sếp, đồng ý với tất cả những gì sếp đưa ra. Xây dựng mối quan hệ ở đây đơn giản chỉ là việc tìm ra một cách thức làm việc cùng nhau để tập hợp được những giải pháp tốt nhất. Bạn cần đảm bảo hoàn thành tốt mọi công việc được giao, đề xuất những ý tưởng mới, đồng thời có những phản biện cần thiết dựa trên nền tảng bạn đã nắm chắc vấn đề, có lập trường rõ ràng. Sự bất đồng ý kiến trong trường hợp này sẽ được đánh giá cao, dễ dàng khiến bạn nhận được tín nhiệm, sự ủng hộ của các nhà quản lý.
Đồng nghiệp – Mối quan hệ hỗ trợ
Theo một nghiên cứu, những nhân viên có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp sẽ có khả năng gắn bó với công việc gấp 7 lần nhân viên khác, mức độ hài lòng với công việc cũng sẽ cao hơn. Qua đó có thể thấy, mối quan hệ với đồng nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện bản thân, phát triển sự nghiệp ở mỗi người.
Hằng ngày, chúng ta dành ít nhất 8 giờ đồng hồ ở bên đồng nghiệp. Nói cách khác, người hiểu rõ nhất những nỗ lực hay khó khăn của bạn là đồng nghiệp. Và không chỉ làm việc chung, đồng nghiệp còn là người hỗ trợ bạn trong lúc làm việc hay những khi gặp khó khăn. Một người đồng nghiệp cầu tiến còn góp phần thúc đẩy bạn phát triển kĩ năng, học hỏi thêm kiến thức mới. Vì thế, việc xây dựng và vun đắp mối quan hệ với đồng nghiệp không chỉ “có lợi” cho sự nghiệp mà còn là cho cuộc sống, trong cả hiện tại lẫn tương lai của bạn.
Muốn thành công trong sự nghiệp, các mối quan hệ “chiến lược” là không thể thiếu. Vì thế, hãy “chọn đúng bạn” mà chơi để có thể phát triển bản thân cũng như tạo tiền đề cho sự nghiệp sau này.