Đời lái xe có lắm chuyện vui buồn. Vui là sau mỗi chuyến xe an toàn đi đến nơi về đến chốn, làm khách hài lòng…Buồn là đôi lúc gặp những vị khách khó tính luôn thích cằn nhằn cửi nhửi về những điều lặt vặt mà vẫn phải lặng thinh chịu đựng.
Anh bạn thân của tôi có lần đùa: “Ông có nhiều tài nhưng chỉ có một thứ tài được cấp giấy chứng nhận hẳn hoi: tài xế”. Ngẫm nghĩ thấy anh nói đúng. Tôi có một vài tài lẻ nhưng chẳng thứ nào được cấp giấy phép. Xưa học một đường, ra trường làm một nẻo, bằng vài nghề tréo ngoe, mớ kiến thức chuyên môn dần bị bụi thời gian khoả lấp.
Vậy mà nghề tài xế với tôi lại rất thật. Thật là vì có bằng được cấp đàng hoàng, lúc thất nghiệp nó lại trở thành cái nghề cho thu nhập chính, hơn hẳn đồng lương công chức lèng xèng. Đời tài xế cũng có lắm cung bậc thăng trầm, nhất là tài xế làm thuê (nói cho sang là chạy xe hợp đồng).
Chuyện vui trong nghề cũng lắm mà chuyện phiền, buồn cũng nhiều. Đừng tưởng ngồi sau vô-lăng, vi vu trên đường, thung thăng đi hết nơi này đến nơi khác là sung sướng. Nghề lái xe là nghề vất vả nhất trong số các nghề mà tôi biết. Trong lúc “tác nghiệp” phải huy động hầu như toàn bộ cơ thể. Mắt căng, tai ngóng, chân đạp, tay xoay sao cho nhuần nhuyễn, không sai nhịp. Đầu óc lúc nào cũng phải tỉnh táo để phán đoán, nhận định tình huống mà xử lý. Tóm lại, lái xe là một hoạt động tổng hợp của mọi bộ phận trên người, tiêu tốn nhiều năng lượng, chưa kể phải đối mặt với những rủi ro luôn rình rập. Dân trong nghề hay ví von lái xe là nghề “chân trong, chân ngoài”, đạp trật thắng (phanh) là trúng… còng số 8.
Có một thời, nghề lái xe rất được xã hội trọng dụng. Dù không danh giá cao sang nhưng nhiều người ham vì khoản thu nhập rất khá và còn được đi đây đi đó. Lúc này, cánh lái xe được chia làm nhiều thứ bậc khác nhau. Sang nhất là lái xe cho cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước mà được lái xe cho “sếp” càng “cực kỳ” hơn. Đây là những lái xe mà anh em thường gọi vui là “cán bộ đường lối”. Phong độ, uy thế của họ khi ra ngoài xã hội đôi lúc còn lấn át cả thủ trưởng, dù thực ra họ chẳng có quyền hạn gì. Thu nhập của họ rất đa dạng, ngoài lương cơ bản còn có các khoản công tác phí, tiền xăng tiết kiệm, tiền “boa” của ga-ra sửa chữa xe…
Nói chung họ sống khá phong lưu. Bên cạnh đó, họ còn được nghe và biết những chuyện thuộc dạng “thâm cung bí sử”, những việc mà “ở để bụng, đi mang theo”. Kế đến là cánh lái xe cho các công ty, xí nghiệp, đồng lương ổn định, đời sống kinh tế khá. Gian truân, vất vả nhất vẫn là cánh lái xe thuê cho tư nhân. Có thể xem đây là những lái xe chuyên nghiệp, vì thu nhập của họ phụ thuộc vào vòng lăn của bánh xe, chạy nhiều hưởng nhiều, chạy ít hưởng ít. Ở đây tôi chỉ đề cập đến những buồn vui trong nghề của những lái xe dịch vụ vận tải hành khách tư nhân từ 7 đến 16 chỗ (còn gọi là xe chạy hợp đồng) đang rất thịnh hành. Nhà xe chỉ cần đăng ký tại một hợp tác xã vận tải nào đó, đóng thuế hằng năm là có trong tay những tờ hợp đồng khống, đi đâu cũng được.
Hiện nay, loại xe ô tô chất lượng cao tăng nhanh, tính cạnh tranh trong việc kinh doanh nghề xe ngày càng gay gắt. Người thuê xe cũng bắt đầu khó tính hơn trong việc chọn lựa xe cho “đáng đồng tiền bát gạo” mình bỏ ra. Điều đó bắt buộc nhà xe phải nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời tranh thủ quay nhanh đồng vốn bằng cách tăng cường thời gian xe lăn bánh, giảm giá cước để cạnh tranh. Chính vì vậy tài xế lái thuê càng thêm vất vả, họ phải tự điều chỉnh mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Như cung cách đón rước, phục vụ phải ân cần, niềm nở, vui vẻ, nhẫn nại; lái xe phải an toàn, êm ái. Thu nhập của tài xế lái thuê phụ thuộc vào doanh thu của nhà xe, thường là 15% đến 20%. Vì vậy, những cuốc xe đi xa (trên 100 km) thu nhập còn tương đối (gọi là “kèo thơm”), nếu đi gần thì “hẻo” hơn, bởi gần hay xa cũng mất hết một ngày công lao động mà thu nhập lại khác nhau.
Đời tài xế lái thuê có lắm chuyện vui buồn. Vui là sau mỗi chuyến xe an toàn đi đến nơi về đến chốn, làm khách hài lòng, được thăm thú nhiều nơi, biết nhiều miền đất lạ của quê hương, nghe được bao nhiêu câu chuyện đời trên những chuyến đi dài để chiêm nghiệm về cuộc sống, con người. Vui vì những lời cảm ơn, những đối đãi chân tình hoặc có khi là những món quà nho nhỏ của khách dành cho. Buồn là đôi lúc gặp những vị khách khó tính luôn thích cằn nhằn cửi nhửi về những điều lặt vặt mà vẫn phải lặng thinh chịu đựng. Khổ nhất là những chuyến chở khách đi đám cưới, đám giỗ…
Trên đường về, đa số khách nam đã có hơi men, nếu chưa đủ “đô” là phải có công đoạn ghé “trạm”, dây dưa, lè nhè, một ly tiễn, ba ly đưa. Khi lên xe, có lúc còn cho chó ăn chè tại chỗ, hoặc liên tục kêu dừng xe trên đường để giải quyết “đầu ra”. Hầu hết các chuyến xe đều phải về trong đêm. Đường xa, đêm vắng, xe bon bon, khi khách đã ngủ vùi thì người lái xe vẫn phải căng mắt, lặng lẽ một mình trong cuộc hành trình. Nhìn những mái nhà ấm cúng đã lên đèn, cảm giác cô đơn, buồn tủi của đời đi sớm về tối chợt ùa đến, chộn chạo nỗi niềm riêng. Tôi tin rằng bất cứ tay lái xe nào cũng đều có một chút tâm hồn nghệ sĩ ẩn bên trong. Và có phải do cái chất lãng mạn nghệ sĩ này nên đôi khi bị người đời gán cho tội “thiếu đàng hoàng”, là đào hoa bay bướm ?!
Bây giờ, nhìn chung nghề lái xe, không còn được ưu ái như xưa. Tuy nhiên nghề nào cũng là nghề, cũng đóng góp cho xã hội, phục vụ cho cộng đồng và nuôi sống chính bản thân, gia đình mình. Nghề tài xế, nhất là tài xế xe khách, còn có một trách nhiệm lớn lao không được quên, đó là sinh mệnh của hành khách. Một chút bất cẩn, lơ đễnh sẽ mang lại những hậu quả khôn lường. Mỗi năm có hàng vạn lái xe ô tô được đào tạo, trong đó có hàng ngàn lái xe khách từ hạng D đến E. Lái xe ô tô rồi sẽ trở thành phổ thông như lái mô tô, nhưng tài xế chuyên nghiệp vẫn phải khác.
Thời gian qua, có nhiều tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, của. Đa số đều do lỗi chủ quan, bất cẩn của tài xế như chạy quá tốc độ, tránh vượt ẩu, không làm chủ tay lái. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do cái tính chất khắc nghiệt của nghề, kể cả việc lái xe bị vắt kiệt sức do nhà xe khai thác tối đa phương tiện vì lợi ích kinh tế. Ngoài ra, chất lượng đào tạo lái xe của các trung tâm dạy nghề, chất luợng kiểm định xe ở các trung tâm đăng kiểm, nạn mua bán bằng giả… cũng góp phần không nhỏ làm gia tăng tai nạn trên đường. Vì vậy, người tài xế thời nay ngoài việc nâng cao kỹ năng chuyên môn, còn phải được trang bị đạo đức nghề nghiệp, phong cách ứng xử trong quá trình tham gia giao thông, hay nói cách khác là phải có văn- hoá- lái- xe (đây là điều còn thiếu trong giáo trình đào tạo lái xe hiện nay).
Trong xu thế phát triển của đất nước, cánh lái xe cũng cần chuẩn bị tâm thế để bước vào thế kỷ của cao tốc, siêu tốc đã không còn xa nữa…
Nguồn: Báo Tây Ninh