Cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, thương mại điện tử (TMĐT) ngày nay không còn xa lạ nữa. Đã có những lời nhận định từ các chuyên gia trong và ngoài ngành rằng “TMĐT Việt Nam như một con sư tử đang ngủ yên chưa được đánh thức”.
Và thực tế tiềm năng này không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đối với khách hàng, doanh nghiệp mà nó bao gồm cả lời hứa hẹn về cơ hội việc làm cho không ít người. Hãy cùng Kiến Nghiệp nhìn lại một vài đánh giá và chia sẻ sâu sắc từ ông David Trần – chuyên gia về TMĐT – để hình dung tiềm năng làm việc cùng TMĐT trong hiện tại và tương lai sắp đến sẽ như thế nào.
TMĐT là một trong những ngành có giá trị nhất để phát triển song hành cùng internet và có xu hướng phát triển nhảy vọt tại mọi quốc gia nơi nó từng được xây dựng. TMĐT có khả năng giúp ích rất nhiều cho những doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ và người hưởng lợi nhất thường là khách hàng. Khách hàng sẽ mua được sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn. Tôi cho rằng TMĐT là một trong những tập hợp con đầy thú vị của internet.
Thị trường TMĐT tại Việt Nam đang phát triển khá tốt và sẽ tăng tốc trong những năm tới. Điều này đã được chứng minh là đúng với các thị trường khác trên thế giới, gồm cả Trung Quốc nơi rất tương đồng với Việt Nam về một số mặt. Đây chính là lý do vì sao hiện nay chúng ta có thể thấy rất nhiều quỹ đầu tư và công ty lớn quyết định tham gia, đổ vốn vào thị trường TMĐT tại Việt Nam. Bởi hầu hết họ biết đây sẽ là thị trường “hái ra tiền” trong tương lai gần.
Ngay hiện tại vẫn có rất nhiều sự phát triển thú vị có thể diễn ra trong không gian này, đáng chú ý nên kể đến vấn đề thanh toán (đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích hình thức thanh toán khi nhận hàng hơn là thanh toán trực tuyến), kinh doanh qua điện thoại, doanh nghiệp nhỏ và cung cấp sản phẩm/ dịch vụ. Cứ càng nhiều công ty tham gia vào TMĐT và càng nhiều người tiêu dùng thực hiện hành vi mua hàng trực tuyến thì chắc rằng sẽ có nhiều bước phát triển mới mẻ.
Một trong những mảng thú vị nhất chính là hoạt động TMĐT thông qua thiết bị di động. Hầu hết mọi người đều có điện thoại di động và hiện tại ngày càng nhiều người sở hữu điện thoại thông minh (smartphone), nghĩa là khả năng truy cập vào các website TMĐT đang lớn hơn bao giờ hết. Điều này ẩn chứa một thông điệp tích cực về sự phát triển của TMĐT trên điện thoại di động vì “vùng đất” này vẫn chưa được phát triển đầy đủ, nó đúng cả với những nơi khác trên thế giới. Việt Nam sẽ có cơ hội đổi mới lĩnh vực TMĐT trên di động nếu nắm bắt và khai thác tốt khoảng trống này.
Lúc này là thời gian tốt nhất cho bất cứ ai mong muốn tham gia lĩnh vực TMĐT. Các bí quyết về nguồn nhân lực và sự sẵn sàng từ phía người tiêu dùng Việt Nam trong việc mua bán trực tuyến đã tăng lên rất nhiều so với các năm qua, vì vậy những người gia nhập ngành ngay thời điểm hiện tại sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển với nghề hơn bao giờ hết.
Có hai cách chính để gia nhập TMĐT và tôi khuyên nên làm cùng lúc cả hai. Đầu tiên là học, bạn có thể tự mình tìm hiểu hoặc trao dồi thông qua các khóa học cơ bản về TMĐT. Các thuật ngữ như CPC, CPA, CPM, tỷ lệ chuyển đổi… là các khối kiến thức cơ bản để hiểu được ngôn ngữ của TMĐT. Tài nguyên thông tin trực tuyến hướng dẫn về ngành này rất lớn.
Tuy nhiên, nếu tiếng Anh không phải là điểm mạnh của bạn thì bạn sẽ bị giới hạn đi nhiều vì chỉ có thể đọc tài liệu tiếng Việt. Rất may, vẫn còn các trang web và blog cá nhân cung cấp tài liệu này. Thứ hai là trực tiếp làm việc. Cách nhanh nhất là tham gia vào một công ty TMĐT tại Việt Nam và cố gắng để được đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng về vận hành, tiếp thị trực tuyến, liên hệ với nhà cung cấp…
Ngày nay, đã có nhiều công ty trong ngành sở hữu các công nghệ và bí quyết có thể giúp bạn bắt đầu khá dễ dàng. Một cuốn sách tôi rất muốn giới thiệu với bạn là: Web Analytics: An Hour a Day (tạm dịch: Mỗi ngày một giờ với phân tích web) của tác giả Avinash Kaushik. Cuốn sách này dạy những điều cơ bản về phân tích, chìa khóa để phát triển một doanh nghiệp TMĐT. Nó có thể được xem là bước khởi đầu cần thiết để nắm bắt những nhận thức cơ bản về phân tích web.
Bất chấp đó đây vẫn còn một số khó khăn và thất bại nhỏ, TMĐT vẫn là một trong những khả năng của internet mà hầu như ta luôn có thể nhìn thấy sự tăng trưởng bùng nổ. Bạn có thể nhận ra điều này khi nhìn vào bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Khi một thị trường TMĐT bắt đầu phát triển nó thường phát triển với tốc độ cực nhanh.
Bất cứ ai vào ngành điều nên biết rằng, nếu họ có thể nắm bắt và làm tốt thì sẽ luôn có cơ hội việc làm. Vì thực tế TMĐT là ngành mới ở Việt Nam, nếu bạn rành rẽ và hiểu biết tốt về nó, bạn có khả năng sở hữu công việc với mức lương cao hơn các công việc khác.
Môi trường làm việc của mỗi công ty TMĐT sẽ khác nhau dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp và những người dẫn dắt nó. Điều này có nghĩa, rất khó để nói rằng có môi trường tiêu chuẩn cụ thể cho công ty TMĐT. Tuy nhiên, có vài đặc điểm chúng ta thường xuyên bắt gặp đó là:
– Công ty TMĐT thường là các “start-up” (công ty khởi nghiệp), và bộ máy họ thường có một chút lộn xộn, tổ chức chưa được bài bản. Tuy nhiên, bù lại, thành viên sẽ có được sự linh hoạt và khả năng di chuyển nhanh.
– Công ty TMĐT thành công nhờ vào “dữ liệu” một cách cuồng tín (công ty mới sẽ học theo những thực tiễn tốt nhất của người đi trước). Đó là bởi họ bị ám ảnh với dữ liệu và cho rằng phân tích dữ liệu sẽ có thể giúp tạo ra các quyết định kinh doanh tốt hơn. Điều tuyệt vời về TMĐT là bạn có thể theo dõi tất cả mọi thứ, và nếu biết cách thao tác và phân tích dữ liệu thì nó sẽ cung cấp cho bạn lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Cần lưu ý ngay rằng, trong một công ty TMĐT, thực sự luôn sẵn có rất nhiều vị trí. Một trong số đó là những công việc truyền thống tương tự như các lĩnh vực khác. Ví dụ, bạn sẽ có kế toán, thủ kho, nhân sự… Ngoài ra còn có các vị trí cần làm việc với đối tác/ khách hàng như bán hàng, thu mua và phát triển kinh doanh… Những vị trí này đòi hỏi phải có kỹ năng riêng.
Cuối cùng, sẽ còn rất nhiều vị trí quan trọng khác trong TMĐT như online marketing, chiến lược khách hàng trung tâm… cho bạn đảm nhận. Những vị trí này thường đòi hỏi ứng viên phải làm việc tốt với các con số và có đầu óc phân tích. Sở hữu nền tảng này, tôi tin rằng bạn sẽ thành công với các vị trí trung tâm của ngành TMĐT.