Bạn đã nghe nhiều về R&D nhưng đã thực sự hiểu R&D là gì? Để tồn tại trong môi trường ngày nay, hầu hết các công ty đều phải nghĩ ra những cách sáng tạo giúp tối ưu hóa chi phí, tìm ra giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp, khám phá những cách mới giúp cải tiến sản phẩm hoặc quy trình đã có từ trước. Các hoạt động này sẽ được thực hiện bởi các nhân viên R&D – Nghiên cứu và phát triển.
R&D là gì?
R&D (Research & Development – Nghiên cứu và phát triển) là một phương tiện quan trọng để đạt được sự tăng trưởng trong tương lai và duy trì một sản phẩm phù hợp trên thị trường. Có một quan niệm sai lầm rằng R&D là lĩnh vực của các công ty công nghệ kỹ thuật cao hoặc các công ty dược phẩm lớn.
Trên thực tế, hầu hết các công ty hàng tiêu dùng đều dành một nguồn lực đáng kể của mình để phát triển các phiên bản sản phẩm mới hoặc cải tiến các thiết kế hiện có. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các công ty khác có thể chỉ chi dưới 5% doanh thu của họ cho nghiên cứu, thì các ngành như dược phẩm, phần mềm hoặc sản phẩm công nghệ cao sẽ có mức chi tiêu cao hơn tùy theo tính chất của sản phẩm.
Nhiệm vụ chính của nhân viên R&D là gì?
Bất kể làm việc ở lĩnh vực nào, các nhân viên R&D thường chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình phát triển của các sản phẩm, từ giai đoạn lập kế hoạch ban đầu đến thực hiện hoặc sản xuất. Họ cần theo dõi tất cả các chi phí liên quan đến việc tạo ra các sản phẩm mới này và quyết định ý tưởng nào đáng để theo đuổi. Nhân viên R&D cũng cần cập nhật thông tin mới nhất về những gì đang xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để đảm bảo rằng công ty của họ luôn ở vị thế cạnh tranh.
Các yếu tố cần thiết để trở thành nhân viên R&D là gì?
Trình độ học vấn
Để trở thành nhân viên R&D, bạn cần ít nhất bằng Cử nhân ở một trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học như Hóa học, Vật lý, Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Dược hoặc Công nghệ sinh học… Theo đuổi bằng Thạc sĩ cũng có thể làm tăng triển vọng việc làm của bạn.
Ngoài trình độ học vấn thì ở một vài vị trí bạn cũng cần có kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm ở lĩnh vực mong muốn, với tư cách là trợ lý hoặc thực tập sinh.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Người làm công việc R&D rất giỏi giải quyết vấn đề. Họ có thể sử dụng tư duy phản biện để xác định vấn đề, sau đó tiến hành nghiên cứu và thực hiện các thử nghiệm để tìm ra cách xử lý các vấn đề của doanh nghiệp như sự thiếu tiến bộ hoặc một nhu cầu mới của khách hàng.
Người có tinh thần đồng đội
Tất cả các nhà tuyển dụng đều muốn mọi việc được hoàn thành mà họ không cần phải giám sát chặt chẽ. Do đó, bạn phải là người tự tạo ra động lực cho bản thân và làm việc hiệu quả mà không cần ai phải nhắc nhở.
Mặc dù tự động viên bản thân là điều quan trọng, nhưng khả năng làm việc nhóm tốt cũng rất quan trọng. Nhân viên R&D sẽ làm việc cùng với các đồng nghiệp khác trong các dự án nghiên cứu lớn hơn hoặc các thí nghiệm đòi hỏi nhiều trí lực hơn. Do đó, bạn phải gạt cái tôi của mình sang một bên và chấp nhận lời khuyên hoặc sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Kỹ năng phân tích dữ liệu
Như đã nói ở phần R&D là gì, các nhân viên R&D thường xuyên làm việc các khối dữ liệu lớn trong quá trình giải quyết vấn đề hàng ngày. Do đó, bạn không được choáng ngợp bởi số lượng lớn các dữ liệu ấy và có thể phát hiện ra sự bất thường khi cần thiết. Các buổi học như thống kê sẽ giúp các nhân viên R&D tương lai xây dựng các kỹ năng phân tích dữ liệu này.
Am hiểu về công nghệ
Người làm công việc R&D phải sẵn sàng thích ứng với công nghệ và phần mềm mới hơn để bắt kịp xu hướng trong lĩnh vực. Việc không thường xuyên cập nhật các kiến thức mới không chỉ khiến bạn bị tụt hậu mà còn ảnh hưởng đến sự tiến bộ của công ty.
Kỹ năng kinh doanh và sự hiểu biết về xu hướng của ngành nghề
Nếu muốn thành công ở vị trí R&D, bạn phải học cách bám sát các xu hướng kinh doanh chính, bao gồm những thay đổi về tài chính và quy định ảnh hưởng đến từng ngành nghề. Ví dụ, bạn phải học cách nhận biết được các tác động tiềm ẩn đối với dự án, cũng như cách dự án của bạn phù hợp với các mục tiêu lớn hơn của tổ chức.
Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi tìm việc R&D là gì?
Hãy nói về một ý tưởng của bạn đã được thực hiện trong lĩnh vực R&D
Điều quan trọng ở đây là tập trung vào từ “được thực hiện”. Bạn có thể có hàng nghìn ý tưởng tuyệt vời nhưng nó không nên chỉ là những điều ghi trên giấy. Bạn cần một thành tích tốt đẹp để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do đó, hãy chuẩn bị một câu chuyện về một ý tưởng nào đó của bạn được thực hiện và được coi là thành công.
Những thách thức bạn muốn tìm kiếm ở vị trí R&D là gì?
Một câu hỏi phỏng vấn điển hình để xác định những gì bạn đang tìm kiếm trong công việc và liệu bạn có phù hợp với vị trí đó hay không là “Bạn đang tìm kiếm những thách thức nào ở vị trí này?”. Cách trả lời tốt nhất là thảo luận về cách bạn có thể sử dụng hiệu quả các kỹ năng và kinh nghiệm của mình nếu được tuyển dụng cho công việc.
Bạn cũng có thể đề cập đến việc bạn rất có hứng thú với các thử thách, có khả năng vượt qua trở ngại cũng như có sự linh hoạt và các kỹ năng cần thiết để đảm trách một công việc đầy thách thức. Đồng thời bạn cũng có thể mô tả về các thử thách đã gặp trước đây và những điều đã đạt sau các khó khăn ấy.
Bạn đã bao giờ có xung đột với sếp hoặc đồng nghiệp? Bạn xử lý nó như thế nào?
R&D là công việc đòi hỏi phải có sự hợp tác với nhiều bên, do đó việc bất đồng ý kiến là điều hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là cách bạn phản ứng và làm gì để giải quyết. Một câu trả lời hay sẽ là “Có chứ, tôi đã từng có nhiều lần bất đồng quan điểm với mọi người trong quá khứ. Đó chỉ là những vấn đề nhỏ thôi nhưng cần được giải quyết.
Tôi nhận thấy rằng khi xung đột xảy ra, việc tìm hiểu rõ về quan điểm của người khác sẽ rất có ích, vì vậy tôi dành thời gian để lắng nghe họ và sau đó tìm ra giải pháp phù hợp cho cả đôi bên”.
Bạn có phải là một nhân viên R&D có trách nhiệm và đạo đức?
Câu hỏi này có thể khiến bất cứ ai khó chịu, ngay cả khi bạn là người hoàn toàn trung thực. Đây là lý do bắt buộc bạn phải chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn – đặc biệt là đối với những câu hỏi khó chịu và kỳ quặc có thể xuất hiện.
Nếu nhận được câu hỏi này, hãy tự tin nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn, không do dự và nói điều gì đó có tác động lớn như “Đúng vậy. Tôi thường đặt câu hỏi về kết quả của mình và lặp lại nhiều lần để chắc chắn với bản thân trước khi trình bày các phát hiện đó cho đồng nghiệp hoặc cấp trên. Tôi muốn hoàn toàn chắc chắn rằng kết quả mình đưa ra là đáng tin cậy”.
Bạn sẽ làm gì nếu công việc không mang lại hiệu quả?
Đây là một câu hỏi sẽ giúp bạn chứng tỏ kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Hãy đưa ra một ví dụ cụ thể về một lần bạn đã khắc phục thành công một dự án đã không mang lại hiệu quả trước đó.
Tuy nhiên, điều quan trọng là không chỉ thể hiện sự kiên trì mà bạn cần phải nói rõ mình hiểu khi nào nên dừng lại. Một dự án không khả thi nên bị loại bỏ càng sớm càng tốt vì càng tồn tại lâu, nó sẽ gây lãng phí nhiều tài nguyên của công ty.
Với chia sẻ R&D là gì và những điều cần biết xoay quanh vị trí công việc này, mong rằng bạn sẽ thêm thông tin hữu ích và có định hướng rõ ràng cho con đường nghề nghiệp tương lai