Trải lòng về nghề nhân sự

Bộ phận nhân sự là bộ phận có vị trí đặc biệt trong công ty nên họ thường xuyên có những câu chuyện “dở khóc dở cười” với ứng viên mà khó có thể chia sẻ, thường thấy nhất là với những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.

Nhân sự, tuyển dụng nhân sự, quản lý nhân sự… là những thông tin được quan tâm hàng ngày từ những người xin việc làm, những nhân viên đang làm việc trong công ty/doanh nghiệp và cả bộ phận lãnh đạo.

Những người làm nghề nhân sự được coi như một cái máy lọc nước. Ứng viên như nguồn nước đầu vào, bộ phận nhân sự sẽ phụ trách lọc ra những người phù hợp nhất với công việc công ty đang tuyển dụng. Vậy làm ở bộ phận nhân sự thì có những nỗi lòng gì, hãy cùng Kiến Nghiệp lắng nghe và chia sẻ trong bài viết này nhé!

I. Nỗi niềm nghề nhân sự và thái độ muôn đời của người trẻ

Sinh viên mới tốt nghiệp là nguồn nhân sự dồi dào đối với các công ty/doanh nghiệp. Mùa tốt nghiệp cũng là mùa tuyển dụng, bộ phận nhân sự và những ứng viên trẻ này lại như một cặp đôi đang trong quá trình tìm hiểu, chia sẻ với nhau.

Nếu vui vẻ thì cả hai sẽ đều tìm được “chân ái” của đời mình: ứng viên tìm được công việc ổn, công ty tốt; bộ phận quản lý nhân sự tuyển dụng được ứng viên giỏi và phù hợp. Nhưng cuộc đời thường trớ trêu, không phải ai  yêu nhau cũng sẽ ở bên nhau.

Thái độ của những bạn trẻ mới ra trường nhiều khi đã vô tình “dẫm nát” mối tình chớm nở giữa ứng viên và nhân sự. Những khúc mắc, điều không hài lòng thường đến ngay từ quá trình nộp hồ sơ, phỏng vấn và nhận việc.

Mới đây, trên một hội nhóm có rất đông anh chị em nhân viên văn phòng theo dõi, một bạn làm bên quản lý nhân sự đã chia sẻ câu chuyện về việc tuyển dụng của bộ phận bên công ty mình. Câu chuyện chia sẻ ra đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, rằng đó cũng là nỗi lòng của nhiều bạn làm quản lý nhân sự khác. Câu chuyện chia sẻ về trải nghiệm với thái độ của những bạn trẻ khi đi xin việc được chia sẻ như sau:

Chủ nhân câu chuyện chia sẻ là một leader tuyển dụng của một công ty thời trang. Đợt tuyển dụng của công ty, team bạn ấy phải đọc hơn 500 hồ sơ mới lọc ra được khoảng 200 hồ sơ tạm gọi là “được” của ứng viên rồi gọi điện hẹn lịch phỏng vấn. Sau quá trình phỏng vấn tốn nhiều công sức, lựa ra được 40 ứng viên sắc nước hương trời, nam thanh nữ tú. Các bạn ai cũng nói một câu dạ, hai câu vâng, khiêm tốn, thật thà và ham học hỏi.

Để chắc chắn về lịch hẹn training với các bạn ứng viên đã đỗ vào công ty, các bạn bên nhân sự không chỉ gửi email để thông báo về thời gian và địa điểm mà còn nhắn tin, gọi điện xác nhận  cẩn thận. Bạn nào cũng gật gù vâng dạ sẽ đến, sẽ cố hết sức học hỏi.

Nhưng tình yêu đâu đến dễ dàng và yêu vội vàng quá được. Dù các bạn ứng viên đã xác nhận sẽ đến, rằng em đã nhớ lịch rồi ạ, chị cứ yên tâm thì quá 30 phút của buổi training mới chỉ có 2 bạn đến. Khi bạn chủ thớt gọi điện hỏi thăm, xem em có tắc đường không, em có gặp vấn đề khi không tìm thấy địa chỉ không thì các bạn ứng viên khiến bạn chủ ngẩn tò te: Em đang ngủ, em quên lịch, hôm nay em bận, khi khác em đến…

Bao nhiêu năm làm việc trong ngành, tiếp xúc với bao nhiêu bạn trẻ là sinh viên, bạn chủ bài viết chưa từng tưởng tượng nổi có những bạn sinh viên đi xin việc lại hành xử như vậy. Và bạn ấy đã hiểu ra một phần lý do vì sao sinh viên Việt Nam nổi tiếng nhanh nhẹn, năng động lại thất nghiệp. Thật là trải nghiệm nhớ đời cần chia sẻ.

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, câu chuyện chia sẻ đã nhận được nhiều lượt chia sẻ và phản hồi từ các đồng nghiệp cùng làm bên tuyển dụng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng đây là cảnh “nhà nhà người người” làm nhân sự đều đang trải qua, những ai làm bên quản lý nhân sự đều đồng cảm và thấu hiểu cùng chia sẻ: “Nỗi lòng mà ai làm tuyển dụng cũng đã từng trải qua.

Lúc nói chuyện cũng dạ vâng, lúc đến lịch đi làm thì mất hút con hàng lươn. 10 cháu chắc đến 7 cháu như thế. Nhiều khi cũng bực mà có ai thấu nỗi niềm, chia sẻ này đâu”. Tuy nhiên, câu chuyện chia sẻ nào cũng có nhiều mặt vấn đề của nó. Cũng có ý kiến cho rằng bộ phận làm công việc tuyển dụng nhân sự không nhất thiết phải khổ như vậy, chỉ cần làm C&B tốt thì tự khắc nhân viên sẽ tự tìm đến.

Thái độ của những bạn trẻ mới ra trường không còn là chủ đề xa lạ với những người trong giới văn phòng nữa nhưng nó vẫn còn rất nóng hổi. Nếu những ứng viên trẻ có thái độ, hành xử đúng đắn và bộ phận nhân sự làm việc thật sự tốt thì họ như một cặp “uyên ương”, còn nếu ngược lại thì đây thực sự là cặp “oan gia”.

Nói chung, hãy để địa chỉ công ty/doanh nghiệp mình đang làm việc là một nơi tin cậy để ứng viên gửi gắm ước mơ về một công việc tốt và phù hợp thì họ sẽ có thái độ trân trọng đối với cơ hội việc làm bạn đang đưa đến cho họ.

II. Những điều khó nói trong nghề nhân sự

Nghề nào cũng có những bất cập, những nỗi khổ riêng khó ai chia sẻ hết được. Nghề nhân sự cũng vậy, nó vừa là cái nghề để kiếm cơm nhưng cũng vừa là cái nghiệp mình đang phải chịu. Nếu chưa từng làm việc với bộ phận nhân sự, cho dù là mảng tuyển dụng hay quản lý thì khó ai có thể hiểu được để chia sẻ những vất vả, đắng cay mà bộ phận này phải chịu. Nhiều người vẫn nghĩ làm nhân sự là nghề nhàn hạ và không áp lực.

Làm nhân sự, tức là bạn phải quan tâm, có trách nhiệm với người khác từ khi họ còn là ứng viên cho tới khi họ là nhân viên cũ của công ty bạn. Khi bắt đầu tuyển dụng nhân sự, nhân sự là bộ phận đọc hàng trăm, hàng ngàn bộ hồ sơ xin việc.

Vừa đọc bạn vừa phải lọc ra các tiêu chí của ứng viên này, xem họ có phù hợp với vị trí công việc mình đang tuyển dụng hay không. Sau khi lọc xong, bạn lại phải tổng hợp lại và tiến hành công việc tuyển chọn: các bài test năng lực, các buổi phỏng vấn, cách thức liên lạc với ứng viên… Bạn phải làm rất nhiều việc trong quá trình đó mới chọn được những ứng viên phù hợp nhất để gắn bó làm việc với công ty của mình.

Nhưng sẽ còn nghĩa lý gì nếu bỗng dưng ứng viên “mất tích”, “có việc bận”, “hẹn lần sau”… Mọi công sức của bạn từ trước đến nay như công cốc, tất cả đều “đổ sông đổ biển”. Vậy là bạn lại phải tiến hành làm lại quy trình tuyển dụng.

Nếu ngay lần sau bạn đã tìm được tình yêu của đời mình thì sẽ thật tuyệt vời, nhưng nếu đến hạn rồi mà ứng viên vẫn “mất tích”, lãnh đạo lại trách cứ, những bộ phận đang thiếu nhân viên lại dằn vặt bạn… Những khi như vậy ai sẽ là người thấu hiểu và sẻ chia với bạn.

Làm ở bộ phận nhân sự bạn sẽ nhanh chóng học được phép biến hóa: bạn vừa phải làm hài lòng sếp lại vừa phải làm hài lòng nhân viên các bộ phận khác. Nhiều khi bạn phải thay sếp trở thành người xấu, thúc ép đẩy nhanh tiến độ làm việc, đưa ra chính sách làm các đồng nghiệp ở bộ phận khác không vui, chẳng hạn như việc thưởng phạt trong công ty.

Và cũng có khi bạn phải đứng ra làm anh hùng nhưng cũng đồng thời “đắc tội” với sếp của mình nếu muốn bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp khác. Có thể nói không bộ phận nào bị nhiều người dòm ngó, xét nét, nghi kỵ như bộ phận nhân sự.

III. Kết luận

Nghề nghiệp nào cũng có những nỗi lòng khó chia sẻ. Làm nhân sự có nhiều vất vả, mệt mỏi, nhiều khi sẽ có chút cảm giác bất lực khi không được mọi người công nhận nhưng cũng có nhiều niềm vui. Đó là khi bạn tuyển được những ứng viên tốt đối với công ty, là khi các đồng nghiệp có những dịp đi chơi vui vẻ…

Bộ phận nhân sự tuy phải chịu nhiều ánh mắt dòm ngó của các bộ phận khác trong công ty nhưng cũng là bộ phận được nhiều người đón nhận. Chỉ cần bạn làm việc bằng cái tâm thì nhất định sẽ được mọi người ghi nhận, đồng cảm, chia sẻ và yêu thương.

Kiến Nghiệp Group chúc bạn thành công !

TIN LIÊN QUAN