“Điểm mạnh của bạn là gì?” là một câu hỏi phỏng vấn rất phổ biến. Nghe có vẻ đơn giản nhưng ẩn sau đó là sự nguy hiểm, bởi nó đòi hỏi bạn phải bước đi cẩn thận giữa hai con đường: một bên là quá khiêm tốn và một bên là quá kiêu ngạo.
Nếu quá khiêm tốn, bạn sẽ đánh giá thấp thành tích và kỹ năng của mình, khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn kém năng lực. Trái lại nếu quá đề cao bản thân, bạn dễ dàng bị coi là ít có khả năng hòa hợp khi làm việc nhóm. Và cả hai điều này có thể xảy ra nếu bạn không chuẩn bị đúng cách.
Nhà tuyển dụng muốn đánh giá điều gì sau câu hỏi “Điểm mạnh của bạn là gì?”
Trước khi chuẩn bị câu trả lời, sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi điều này và họ mong muốn sẽ nhận được gì.
Có một số điều mà nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn có thể đang tìm cách khám phá. Ví dụ, họ có thể muốn:
- Đảm bảo rằng điểm mạnh của bạn phù hợp với các kỹ năng cần thiết cho vai trò;
- Kiểm tra xem bạn có tự nhận thức và có thể tự tin nói về bản thân mình hay không;
- Kiểm tra các phẩm chất và kinh nghiệm giúp bạn khác biệt với các ứng viên khác;
- Đánh giá kỹ năng giao tiếp của bạn;
- Và xem bạn có trung thực hay không.
Các loại điểm mạnh phổ biến
Kỹ năng dựa trên kiến thức: Có được từ quá trình giáo dục và kinh nghiệm như kỹ năng máy tính, ngôn ngữ, bằng cấp và khả năng kỹ thuật.
Kỹ năng có thể chuyển đổi: Các kỹ năng mà bạn có thể sử dụng trong nhiều công việc khác nhau như kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, phân tích và lập kế hoạch…
Đặc điểm cá nhân: Những phẩm chất độc đáo của bạn như đáng tin cậy, linh hoạt, thân thiện, làm việc chăm chỉ, đúng giờ, có tinh thần đồng đội…
Hãy chọn ba đến năm điểm mạnh phù hơp với những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm trong tin đăng tuyển. Đảm bảo bạn có thể đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh lý do tại sao bạn nói rằng đó là thế mạnh của bạn nếu nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu sâu hơn. Mục đích của bạn không nhất thiết phải thuyết phục rằng bạn là nhân viên giỏi nhất, mà là cho thấy rằng bạn là người phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển.
Những lưu ý khi trả lời câu hỏi phỏng vấn “Điểm mạnh của bạn là gì?”
Trung thực
Một trong những điều quan trọng nhất khi nói về điểm mạnh của bạn là trung thực. Một câu trả lời chân thật sẽ tạo được ấn tượng tốt, trong khi câu trả lời chung chung, phóng đại hoặc quá khiêm tốn sẽ cho kết quả ngược lại.
Không nhà tuyển dụng nào muốn chọn một người không thể nhận ra những gì họ đang sở hữu hoặc không biết những gì họ nên làm. Bạn sẽ được đánh giá cao hơn nếu có thể nhận thức và tận dụng những điểm mạnh của mình.
Kể một câu chuyện
Mọi người luôn hiểu các khái niệm và tình huống tốt hơn với một câu chuyện. Vì vậy, nếu bạn có thể kể một câu chuyện hỗ trợ cho luận điểm của mình thì điều đó luôn hữu ích.
Chẳng hạn, nếu bạn đang nói về cách bạn bình tĩnh trước áp lực trong môi trường có nhịp độ nhanh, bạn có thể kể về thời điểm bạn đã chuyển bản kế hoạch cho cấp trên kịp thời mặc dù có sự thay đổi vào phút chót.
Việc chia sẻ một ví dụ thực tế không chỉ giúp câu trả lời của bạn trở nên nổi bật mà còn thể hiện bạn là một người chu đáo và trung thực.
Cụ thể và chi tiết
Một câu trả lời xác thực và kèm theo một câu chuyện minh họa là khởi đầu tuyệt vời, nhưng nó sẽ không hoàn chỉnh cho đến khi bạn thêm một số thông tin chi tiết. Điều này phù hợp với cả điểm mạnh và điểm yếu nhưng trông hơi khác nhau trong mỗi trường hợp.
Khi đang trả lời câu hỏi “Điểm mạnh của bạn là gì?”, thì kết thúc câu trả lời bạn nên kèm thêm thông tin: các kỹ năng và điểm mạnh đó sẽ hữu ích như thế nào ở vị trí cụ thể tại công ty mà bạn đang ứng tuyển.
Quay trở lại ví dụ về bản kế hoạch ở trên, bạn có thể nói thêm “Vì đã quen làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh nên tôi có sự tự tin khi gia nhập vào đội nhóm mới đồng thời đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra và hoàn thành công việc với chất lượng cao”.
Ngắn gọn
Bạn không nên dành một nửa buổi phỏng vấn cho những câu trả lời về điểm mạnh. Hãy giữ câu trả lời của bạn ngắn gọn và tập trung vào các điểm mạnh, tùy thuộc vào cách diễn đạt câu hỏi. Hãy nghĩ đến chất lượng thay vì số lượng.
Các lỗi phổ biến khi cần tránh khi trả lời câu hỏi “Điểm mạnh của bạn là gì?”
Liệt kê một loạt các điểm mạnh
Chỉ tập trung liệt kê các điểm mạnh mà không cân nhắc đến đặc điểm công việc hoặc không có ví dụ cụ thể có thể khiến câu trả lời của bạn bị phớt lờ. Hãy nghĩ về những điểm mạnh cụ thể mà bạn có giúp bạn phù hợp với vai trò cụ thể đó.
Câu trả lời không liên quan
Bất kỳ điểm mạnh nào bạn đưa ra phải liên quan đến các kỹ năng yêu cầu trong mô tả công việc. Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển vị trí kế toán, việc nói rằng bạn là một vận động viên cừ khôi sẽ không giúp nâng cao cơ hội trúng tuyển. Những câu trả lời không liên quan cũng có thể gợi ý cho nhà tuyển dụng rằng điểm yếu của bạn nằm ở những lĩnh vực quan trọng đối với công việc.
Câu trả lời mơ hồ hoặc chung chung
Bạn cần thể hiện sự tự nhận thức về bản thân, vì vậy không phải là ý kiến hay khi nói rằng bạn mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh nhưng không thể đưa ra điều gì cụ thể. Hãy chuẩn bị trước câu trả lời bằng các ví dụ ngắn và đảm bảo bạn nhận thức điểm mạnh của mình vì bất kỳ sự do dự nào cũng có nguy cơ làm hỏng câu trả lời của bạn. Đây không phải là lúc để lưỡng lự hoặc quá khiêm tốn.
Nếu bạn không biết thế mạnh của mình thì sao?
Nếu bạn thấy mình đang gặp khó khăn trong việc xác định các điểm mạnh, bạn có thể thử một số cách tiếp cận sau:
Hỏi người khác
Có được quan điểm mới mẻ có thể giúp phản ánh chính xác những lĩnh vực mà bạn giỏi. Thử hỏi một người hiểu rõ về bạn (chẳng hạn như bạn bè hoặc đồng nghiệp) để xem họ nghĩ thế mạnh của bạn là gì.
Nhìn lại những lời khen ngợi và thành tích trong quá khứ
Cố gắng nhớ lại bất kỳ lời khen ngợi hoặc phản hồi nào bạn đã nhận được khi còn là sinh viên, hoặc trong bất kỳ kỳ thực tập hay vị trí làm việc nào. Vì lý do này nên việc luôn lưu giữ các phản hồi tích cực mà bạn nhận được trong suốt quá trình học tập và làm việc của mình là một ý tưởng rất hay. Tương tự, hãy xem lại các thành tích bạn đã đưa vào CV của mình và xác định những gì nổi bật nhất.
Xem xét các kỹ năng chính của những người trong vai trò tương tự như bạn
Tham khảo các mô tả công việc và xem kỹ năng nào nổi bật nhất trong hồ sơ của những người hiện đang đảm trách vai trò tương tự như của bạn. Hãy nghĩ xem bạn có những kỹ năng này không.
Khi nhà tuyển dụng hỏi “Điểm mạnh của bạn là gì?”, có một vài điều họ muốn nghe và cũng có những điều mà họ thực sự không muốn biết. Tham khảo những gợi ý trên đây, bạn sẽ biết cách để tạo ra câu trả lời hiệu quả nhất khi nói về điểm mạnh của bản thân và không khiến nhà tuyển dụng thất vọng.