Chốn công sở, đừng bao giờ trông mặt mà bắt hình dong. Có những đồng nghiệp rất tốt bụng, luôn sẵn sàng ở bên bạn khi khó khăn nhưng có thể, chính họ là người khiến bạn rơi vào những rắc rối đó đấy!
Công sở được nhiều người ví von như chốn thâm cung đầy rẫy thị phi khi mà mỗi ngày bạn có thể tiếp xúc với vô vàn kiểu đồng nghiệp. Bên cạnh đồng nghiệp tốt, bạn cũng không thể tránh khỏi những lần đụng mặt với những gián điệp công sở hay sử dụng chiêu trò hạ bệ đồng nghiệp khác. Hãy cùng nhận diện xem 3 tuýp đồng nghiệp này là ai nhé!
Bà tám công sở hay “ngồi lê đôi mách”
Những “thím bà tám” dường như không thể thiếu tại nơi công sở mà bạn không ít lần là nạn nhân trong câu chuyện được thêu dệt bởi chính họ. Đây là kiểu người mà không chỉ cái gì cũng muốn biết mà còn muốn cho cả thế giới biết điều họ biết. Khi buôn chuyện với một người, họ tỏ ra kín tiếng tuyệt đối nhưng khi con số từ 2 trở lên thì hí hửng kể hết mọi thứ mình biết, thậm chí còn phóng đại để gây kích thích cho câu chuyện.
Mới đầu tiếp xúc, bạn có thể sẽ thấy họ khá thú vị khi mỗi lần nói chuyện được biết thêm chuyện mình từng biết và có thể dễ dàng chia sẻ những nỗi niềm trong công việc lẫn chuyện gia đình. Nhưng dần dà, bạn sẽ nhận ra sự tò mò của họ phiền phức và những câu chuyện của bạn không hiểu vì sao lại lọt đến tai người thứ 3, thứ thứ 4 và rồi thứ n.
Đối với những đồng nghiệp này, bạn nên cẩn thận và kín tiếng hơn. Nếu được, hãy chỉ dừng mối quan hệ ở mức xã giao và chào hỏi lịch sự nơi công sở. Vì biết đâu một lúc nào đó họ sẽ biến những chuyện của bạn thành chuyện của công chúng.
Chuyên gia “nói xấu sau lưng”
Đồng nghiệp hai mặt thường có xu hướng nói xấu sau lưng người khác, nhất là những đối tượng được sếp đánh giá cao hoặc sở hữu nhiều ưu điểm nào hơn hẳn các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, khi đứng trước mặt bạn, họ lại tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ và thân thiện như chưa có bất kỳ điều tiếng nào xảy ra. Nếu bạn không may rơi vào “miệng lưỡi” của tuýp đồng nghiệp này, hãy kiềm chế cơn nóng giận của mình và hành xử khôn ngoan.
Cách tốt nhất để trừng trị kiểu đồng nghiệp này đó chính là nhắc khéo như một cách dằn mặt đầy uy nghiêm. Bạn có thể tìm đến, giả vờ kể với đồng nghiệp về tin đồn thất thiệt mà bạn vừa nghe rằng họ chính là nhân vật chính trong câu chuyện đó và tuyệt đối đừng nói thêm gì nữa.
Họ có thể sẽ giải thích rất nhiều để khiến bạn tin tưởng. Hãy nhấn mạnh với họ rằng bạn chỉ muốn chia sẻ một cách đơn thuần chứ không hề có ý định phân rõ đúng sai. Đây là phương pháp “nhắc khéo”, khiến người đồng nghiệp xấu tính phải giật mình và nó còn là một lời cảnh báo ngầm rằng bạn có tai mắt ở khắp nơi, tốt nhất họ nên biết giữ miệng.
Thích đùn đẩy trách nhiệm nhưng vơ hết công lao
Đồng nghiệp hai mặt còn thể hiện khi cộng tác làm việc nhóm cùng nhau. Đó là khi bạn tham gia một dự án cùng họ và mỗi một thành viên có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ vì mục tiêu chúng.
Người đồng nghiệp này lại đùn đẩy mọi trách nhiệm, chỉ nhận những công việc đơn giản, dễ dàng. Nếu dự án thành công, họ lại nhận hết công lao về mình và thể hiện với lãnh đạo rằng bản thân có năng lực. Còn nếu dự án thất bại, họ lại đẩy mọi lỗi lầm cho bạn vì đã không thực hiện được hạng mục ABCD…
Làm việc với kiểu đồng nghiệp này, bạn nên thiết lập rõ ràng chi tiết bản kế hoạch bao gồm những công việc cần phải làm, sau đó chia đều và cụ thể cho từng người. Hãy đảm bảo mọi người đã nắm rõ nhiệm vụ của mình và cam kết làm tròn công việc được giao.
Đặc biệt, luôn có bên thứ ba xác nhận điều này. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể đưa giấy tờ vào để đảm bảo mọi thứ. Điều này sẽ chứng tỏ mọi thứ trong dự án được rõ ràng, ý tưởng của ai, thành quả của ai sẽ là của người đó, tránh cảnh tranh giành công lao.
Cuộc sống có muôn vàn kiểu người và chốn công sở cũng như vậy. Khi đối mặt với đồng nghiệp hai mặt, việc đầu tiên bạn cần làm chính là giữ bình tĩnh và tìm cách phòng bị. Hy vọng bài viết chia sẻ về 3 tuýp đồng nghiệp hai mặt nơi công sở sẽ giúp bạn có sự phòng bị tốt nhất và tìm ra hướng phản kháng hiệu quả.