Sự bùng nổ dịch vụ tài chính ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian gần đây đang tạo ra lỗ hổng lớn về nhân sự của ngành này. Để tuyển mộ và thu hút nhân tài vào làm việc, các nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn lên đến hàng ngàn USD/tháng. Thế nhưng, cuộc đua “săn” nhân sự cấp cao trong lĩnh vực này chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng”.
Đỏ mắt tìm người tài
Cách đây 5 năm, các chuyên gia về Tài chính Ngân hàng đã gióng hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng thiếu hụt nhân lực ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ rất lớn nếu VN không có sách lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự quản trị cao cấp cho lĩnh vực này.
Và cho đến bây giờ khi cơ hội vào WTO đang đến gần, lời cảnh báo ấy càng trở nên gay gắt. Gần đây, sự “trỗi dậy” của các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, tín dụng (chứng khoán, buôn bán bất động sản, bảo hiểm…) và các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ đang tạo ra cơn sốt tuyển mộ nhân sự trực tiếp lẫn gián tiếp trong ngành Tài chính – Ngân hàng.
Do các lò đào tạo không đủ sản phẩm “chất lượng cao” cung ứng cho thị trường lao động nên các nhà tuyển dụng phải đưa ra nhiều chiêu thức tuyển mộ, chiêu dụ người tài. Theo các công ty dịch vụ cung ứng nhân sự, chính cơn sốt cạnh tranh thu hút nhân tài này đang đẩy giá thuê quản trị viên cao cấp ngành tài chính-ngân hàng lên cao ngất. Giá “săn” một giám đốc tài chính, quản trị Tài chính – Ngân hàng cao cấp không dừng ở mức 2.000-3.000 USD như trước đây mà đã tăng vọt lên 5.000-7.000 USD/tháng.
Chạy nước rút…
Trước thực tế khan hiếm nguồn nhân lực ngành Tài chính Ngân hàng, nhiều nhà tuyển dụng đã thay đổi chiến thuật, chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường để tái đào tạo thay vì đi săn lùng người có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đòi hỏi sinh viên phải năng động, sáng tạo, tìm tòi nhiều giải pháp để trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Để bổ khuyết nguồn nhân lực quản trị cao cấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngoài sự chủ động đào tạo nguồn của các đơn vị, tổ chức tài chính, tín dụng đòi hỏi nhà nước phải có đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học và có chính sách hỗ trợ đào tạo quản trị viên trung cao cấp.
Sắp tới thị trường vốn ở Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh, nếu chúng ta không chuẩn bị nguồn nhân lực đạt chuẩn, có kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế thì rất khó xây dựng được nền tài chính tiền tệ lành mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Kiến Nghiệp Group chúc bạn thành công !