“Chưa kịp mừng vui vì dứt được gánh nặng học hành, bước vào vòng xoay cơm áo gạo tiền, nhiều cựu sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo mới : thất nghiệp…”
Những năm gần đây các trường ĐH, CĐ trong cả nước mọc lên như nấm. Do không có một cơ quan nhà nước nào quy định việc tuyển sinh, nên tình trạng tuyển sinh ồ ạt – vô tội vạ diễn ra ở hầu hết các trường. Số lượng sinh viên tăng một cách chóng mặt, dẫn đến một loạt các vấn đề bất cập như: cơ sở vật chất, số lượng giảng viên không đủ đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy, chất lượng giáo dục càng thấp… Kéo theo một hệ lụy đáng buồn là tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ngày càng đông.
“Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên thuộc năm khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006-2010) của ba đại học: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số báo động. Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo.
Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công. 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết, họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%.”
Bi đát vì thất nghiệp
Thực tế không ít sinh viên phải chấp nhận làm các công việc không liên quan gì đến ngành mình học, một số khác lại chấp nhận làm các công viêc phổ thông vì không xin được việc làm. Theo chân Bích Vân(*) trong một buổi “chạy chợ” cho một nhãn hàng mì gói, chúng tôi mới cảm nhận hết sự nhọc nhằn hằn trên khuôn mặt đen sạm vì nắng của cô. Nước mắt chực trào, Vân tâm sự “ hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu thôi anh . Em tốt nghiệp loại giỏi trường CĐ Du Lịch SG, chạy vạy xin việc khắp nơi nhưng tất cả đều từ chối, xin vào làm quản lý cho nhà hàng thì họ nhận vào làm bồi bàn, công sức bao năm học…sao mà làm được hả anh? ” tạm biệt Vân ra về chúng tôi cứ ám ảnh mãi câu hỏi của em…
Tương tự là trường hợp của Dũng(*) : tốt nghiệp ngành xây dựng của một trường đại học có tiếng nhưng Dũng phải ngậm ngùi “thực tập không lương” lấy kinh nghiệm vì BĐS đóng băng, công ty nợ ngập đầu không còn khả năng trả lương cho nhân viên. Dũng đang tính chuyện nghỉ việc vì không cầm cự được bao lâu nữa.
Bi đát hơn là Hiền(*) cô sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Trung, những tưởng sau khi tốt nghiệp ĐH Ngân Hàng sẽ tìm được một công việc như ý nhưng mãi vẫn chưa xin được việc, hơn năm nay Hiền học thêm nghề làm tóc để trang trải cuộc sống qua ngày và phần nào phụ giúp gia đình… “em còn khoản nợ vay ngân hàng trong 4 năm ĐH không biết khi nào mới trả xong” Hiền bộc bạch.
Nguyên nhân do đâu ?
Cung vượt quá cầu: khủng hoảng kinh tế Thế Giới kéo theo khủng hoảng tài chính do ”bong bóng” BĐS vỡ làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng suy kiệt. Doanh nghiệp không đầu tư sản xuất mà làm giàu bằng giá trị ảo lâm vào khủng hoảng, phá sản. Ngân Hàng tái cơ cấu, người dân thắt chặt chi tiêu, hoàng loạt việc làm bị cắt giảm ảnh hưởng lớn đến tầng lớp lao động trẻ chưa có kinh nghiệm.
Chất lượng giáo dục: có một thực tế đáng buồn là chất lượng giáo dục trong những năm gần đây thấp đến mức báo động, “giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn”… Nhà trường giảng dạy theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa quá chú trọng lý thiết, không trang bị cho sinh viên đủ các kiến thức thực sự cần thiết trong quá trình học tập.
Sinh viên thiếu năng lực, kỹ năng mềm: “có thể nói 90% sinh viên khi ra trường đều thiếu kỹ năng mềm, bằng cấp là quan trong nhưng năng lực thật sự và kinh nghiệm của các bạn mới là yếu tố quyết định”Anh Trần Trọng Thành, chủ tịch HĐQT công ty VINAPO nhấn mạnh điều này trong buổi trao đổi với sinh viên trong tại cuộc tọa đàm “Tự tin nghề marketing”.
Thay lời kết:
Lãng phí nguồn tri thức trẻ đang là mối lo của toàn xã hội, Đảng và nhà nước đã và đang đề ra nhiều giải pháp góp phần làm giảm tình trang thất nghiệp như: “cứu” doanh nghiệp – tạo thêm nhiều việc làm, cải cách giáo dục. Song các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hãy tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết tạo nền tảng vững chắc cho tương lai . Hãy bắt đầu ước mơ của mình từ những bật thang thấp nhất. Thành công chỉ đến với những ai có đủ kiên nhẫn và tài trí chinh phục nó.