Các headhunter hay chuyên gia “săn đầu người” là một nghề rất mới tại Việt Nam. Chính vì thế, nguồn nhân lực chất lượng trong ngành này trên thị trường không nhiều.
Đã xuất hiện tại Việt Nam gần 20 năm nay, nhưng nghề “săn đầu người” hay còn được gọi với tên headhunter vẫn còn khá mới lạ. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc tập đoàn Navigos Group, từ đầu những năm 1990, một số công ty kiểm toán nước ngoài đặt văn phòng tại Việt Nam đã mở dịch vụ tư vấn việc làm.
Đầu những năm 2000, để đảm bảo tính minh bạch và độc lập của dịch vụ kiểm toán, các công ty này buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm. Công ty kiểm toán Ernst & Young là đơn vị đầu tiên thực hiện độc lập hóa và chuyển mảng Tư vấn việc làm cho Công ty Navigos Group Việt Nam vào năm 2005.
Theo bà Mai, trước đây, headhunter chỉ dựa vào các mối quan hệ để tiếp cận đối tượng, hoặc sàng lọc hồ sơ từ dữ liệu có sẵn. Hiện nay, một trong những kênh “săn” người được các headhunter thường xuyên sử dụng là Internet. Các kênh tuyển dụng trực tuyến hay mạng xã hội là “vũ khí” lợi hại giúp headhunter tiếp cận ứng viên tiềm năng.
Tuy nhiên, các kênh này cũng đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả không kém. Vì vậy, các headhunter phải “nâng cấp” những kỹ năng chuyên môn về tìm kiếm và tư vấn để tiếp cận được những ứng viên khó tìm để giúp các doanh nghiệp đối tác của mình.
Bà Mai cũng cho biết công việc của các headhunter không khác nào “mai mối” các ứng viên có năng lực cho các doanh nghiệp. Trách nhiệm của các headhunter không chỉ dừng lại sau khi đã đáp ứng yêu cầu của hai bên mà vẫn tiếp tục cho đến khi ứng viên tương đối hội nhập với môi trường làm việc mới, thông thường là khoảng 1 năm sau khi vào làm việc.
Những headhunter giỏi luôn được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực chất lượng trong ngành này tại thị trường Việt Nam không quá nhiều và hầu hết tập trung tại một số công ty tư vấn tuyển dụng lớn. Nhiều headhunter cho biết trên thị trường hiện nay chỉ có một vài công ty hàng đầu nắm giữ phần lớn thị phần cung cấp dịch vụ tư vấn tuyển dụng.
“Hiện nay Việt Nam có khoảng 500 công ty với vài trăm lao động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn tuyển dụng. Tuy nhiên, các công ty nhỏ với số lượng nhân viên dưới 10 người chiếm tới 2/3”, bà Mai cho biết. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có nhu cầu sử dụng dịch vụ headhunting để tuyển người cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, họ không sẵn sàng dành ngân sách cho dịch vụ tư vấn tuyển dụng thật sự chuyên nghiệp vì vậy, xuất hiện một số tư vấn viên nghỉ việc ở các công ty tuyển dụng lớn để thành lập công ty headhunting nhỏ phục vụ phân khúc khách hàng này.
Nhưng những công ty nhỏ này sẽ không có cơ sở dữ liệu, nguồn lực lực để đầu tư và phát triển. Các tư vấn viên trong công ty nhỏ khi được tuyển vào, họ sẽ phải tự xoay xở để thích ứng với nghề, và sẽ không có cơ hội được đào tạo những kỹ năng để làm headhunter chuyên nghiệp.
Bà Kiều Chi, một tư vấn tuyển dụng có kinh nghiệm trong mảng tài chính – ngân hàng cho biết để trở thành một headhunter có tên tuổi trên thị trường không chỉ cần có sự học hỏi thường xuyên mà phải thật sự có tố chất và sự kiên trì.
Theo bà, nhân sự khi đã ở vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp là những người có chuyên môn rất tốt trong lĩnh vực họ theo đuổi, công việc ổn định với mức thu nhập khá cao. Vì thế, việc thuyết phục họ thay đổi việc làm không hề dễ dàng. Đặc biệt, khi mà khách hàng ngày càng yêu cầu ứng viên chất lượng cao nhưng không phải lúc nào cũng sẵn sàng bỏ ra mức lương “khủng” để tuyển dụng.
“Đây là lúc headhunter phải dùng khả năng và những kỹ năng chuyên môn trong nghề của mình để thuyết phục ứng viên. Cần phải tìm hiểu mong muốn thật sự của ứng viên là gì ngoài mức lương cao. Đó có thể là môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ hội học hỏi hay phát triển kỹ năng…”.
Bà Chi cũng cho biết thêm ngoài việc phải tiếp cận và tìm hiểu những nhu cầu thực tế nhất của ứng viên, nhất cử nhất động của ứng viên cũng rất quan trọng nếu headhunter muốn dẫn dắt thành công ứng viên tới với công việc mới. Ngoài việc “săn” nhân sự giỏi, công việc của các headhunter còn là tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho các ứng viên.
“Đôi khi mình tư vấn không chỉ vì yêu cầu tuyển dụng của khách hàng mà còn vì cảm thấy công việc này thực sự phù hợp với ứng viên. Nếu làm việc ở chỗ làm mới, ứng viên sẽ thật sự bộc lộ được hết khả năng và giá trị của mình. Khi đó, mình có thêm động lực để thuyết phục ứng viên cân nhắc cơ hội việc làm mới”, bà Chi chia sẻ.